Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả khai thác hải sản của ngư dân, thời gian qua tại các cấp, ngành và địa phương đã đưa ra nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp ngư dân yên tâm bám biển sản xuất và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Hiện ngư dân khai thác gặp nhiều khó khăn Ảnh: VM
Phải kể đến đầu tiên là Thừa Thiên – Huế, địa phương điển hình trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác trên các vùng biển xa. Thời gian qua, Thừa Thiên – Huế đã phân bổ hơn 16 tỷ đồng để thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa thuộc huyện Phú Vang, Phú Lộc, TP Huế, thị xã Hương Trà. Sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm tại Thừa Thiên – Huế ước 19.987 tấn, tăng 5,4%, trong đó, khai thác biển 18.057 tấn, tăng 6,1%; khai thác nội địa 1.930 tấn, giảm 0,5%. Theo đánh giá, các địa phương trong tỉnh và ngành ngân hàng có sự phối hợp chặt chẽ, đơn giản hóa các thủ tục, đồng thời, chính quyền tích cực hướng dẫn ngư dân điều kiện vay vốn đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu cá xa bờ, tạo điều kiện để ngư dân tiếp cận nguồn vốn, vươn khơi bám biển…
Tại Quảng Trị, tỉnh hỗ trợ ngư dân mua các loại bảo hiểm như: thân tàu, thuyền viên và rủi ro đặc biệt cho 218 tàu có công suất 90 – 400 CV với tổng kinh phí gần 7,2 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa cho tàu cá công suất 400 – 800 CV khoảng 3,8 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí đào tạo kỹ thuật vận hành tàu cá đóng bằng vật liệu mới cho 210 ngư dân, kỹ thuật khai thác và bảo quản hải sản cho 238 ngư dân với gần 2,7 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa 20 tàu cá công suất lớn 3 tỷ đồng.
Cùng với sự hỗ trợ về các chính sách, ban hành các Nghị định, Nghị quyết, thời gian qua, các ban ngành, các địa phương, ngư dân cũng vào cuộc quyết liệt để sớm gỡ “thẻ vàng” của EU. Như tại Bà Rịa – Vũng Tàu, ngành thủy sản tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam, vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, các quy ước về vùng lãnh hải được và không được khai thác hải sản… Đến nay, 100% ngư dân trên địa bàn tỉnh đã ký cam kết nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật, không xâm phạm ngư trường vùng chồng lấn và vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực để đánh bắt hải sản; không dùng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản ở tất cả các vùng nước; không khai thác hải sản trong hành lang bảo vệ các công trình dầu khí; không khai thác cáp ngầm viễn thông dưới mọi hình thức. Ngoài ra, ngư dân cũng cam kết không khai thác trong khu vực bảo tồn biển; không khai thác những loài thủy sản thuộc đối tượng cấm khai thác, kích cỡ không được phép khai thác, thời gian cấm khai thác; không sử dụng ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định; nộp sổ nhật ký khai thác, báo cáo kết quả từng chuyến biển cho cơ quan quản lý thủy sản của tỉnh…
Tuy nhiên, thời gian tới, để chính sách hỗ trợ ngư dân được hiệu quả hơn, cần có sự giám sát chặt chẽ, hỗ trợ tích cực của các cấp ngành, đặc biệt là sự vào cuộc của ngân hàng, để ngư dân yên tâm vươn khơi sản xuất.
>> Tại Nghệ An, trước mong muốn ra những ngư trường lớn để khai thác hải sản của bà con ngư dân, huyện Quỳnh Lưu tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ 100 triệu đồng/chuyến biển tham gia đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa theo Quyết định số 48 của Thủ tướng Chính phủ. |