Huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) có truyền thống lâu đời về nghề biển. Cùng với chiến lược phát triển du lịch, huyện đảo này cũng đang chú trọng đẩy mạnh và hiện đại hóa ngư nghiệp.
Tàu thuyền đánh cá ở Lý Sơn Ảnh: SN
Hoàn thành khu neo đậu tàu thuyền
Huyện đảo Lý Sơn ở phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý, gồm đảo Lớn (Cù lao Ré) có xã An Vĩnh và An Hải, đảo Bé (Cù lao Bờ Bãi) là xã An Bình với tổng dân số 22.000 người, diện tích 10,3 km2. Nơi đây là không gian ngư nghiệp giàu truyền thống đang trên đà hiện đại mạnh mẽ để phát triển bền vững.
Theo thống kê, cả huyện hiện có 450 tàu thuyền khai thác biển, trong đó, gần 300 tàu đánh bắt xa bờ (trên 90 CV/tàu). Khai thác biển là nghề truyền thống của Lý Sơn, hàng trăm năm trước, ngư dân nơi đây từng được triều đình phong kiến tuyển mộ đi khai thác sản vật ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, hồi nào chỉ tàu thuyền nhỏ, chủ yếu đánh bắt gần bờ với nghề lưới cá chuồn, cá trích, cá sơn và câu mực; gần đây mới phát triển đánh bắt xa bờ.
Từ năm 2013, mùa mưa bão, tàu thuyền đánh cá ở Lý Sơn không còn phải chạy vào đất liền vì đã hoàn thành giai đoạn 1 vũng neo trú tàu thuyền An Hải ở đảo Lớn. Dự án vũng neo trú tàu thuyền được xây dựng tại thôn Đông (xã An Hải) có tổng diện tích gần 47 ha, tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Nhờ có cơ sở này mà hồi đầu tháng 6/2018 mới đây, gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8 kèm mưa lớn, tất cả tàu chuyền Lý Sơn trú đậu an toàn, cả tàu chở khách du lịch.
Trong giai đoạn 2, vũng neo đậu tàu thuyền An Hải được nạo vét luồng lạch, mở rộng với tuyến neo đậu liền bờ dài hơn 700 m, đỉnh tuyến rộng 4 m bằng bê tông cốt thép vĩnh cửu. Các tuyến đê biển ở đây có tổng chiều dài trên 1 km, cao 4 – 4,5 m cũng bằng bê tông cốt thép chịu được sóng gió cấp 11 – 12. Khi hoàn thành, nơi này đủ chỗ cho khoảng 600 tàu cá công suất lớn ra vào neo trú, làm nền tảng để đầu tư các cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại.
Phát triển dịch vụ hậu cần
Từ năm 2014, Lý Sơn có điện lưới quốc gia đã thúc đẩy dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển, giúp ngư dân an tâm bám biển. Điển hình như cơ sở đóng sửa tàu thuyền Lý Sơn của ông Lê To ở thôn Đông, xã An Hải, nay đạt doanh thu gấp gần chục lần trước kia. Hiện cơ sở của ông có gần 40 thợ, làm việc thường xuyên. Ông Lê To phấn khởi: “Khi chưa có điện, cơ sở của tôi chủ yếu nhận quét sơn lại tàu mà thôi vì chạy máy diezel chi phí cao mà năng suất thấp. Từ khi có điện, tôi mua thêm máy cưa, máy bào, mua gỗ về để sửa chữa lớn cho tàu cá và có khả năng thay vỏ tàu, đóng tàu mới”.
Cơ sở sản xuất nước đá của ông Võ Son ở thôn Tây, xã An Vĩnh đang cung cấp nước đá mỗi ngày hàng trăm cây cho đội tàu khai thác biển. Ông Võ Son kể: “Trước đây chạy máy diezen gây ồn ào khu dân cư mà nước đá ít, chủ yếu cung cấp cho các hàng quán trên đảo. Từ ngày có điện, nhà máy nâng công suất nên phục vụ được nhiều tàu cá mà chi phí lại giảm, tiền điện mỗi tháng chỉ gần 50 triệu đồng, trước kia tiền dầu mỗi tháng hàng trăm triệu đồng”.
Việc cung cấp nhiên liệu cho tàu cá cũng giảm chi phí cho cả bên cung cấp lẫn chủ tàu. Ngư dân Lê Hồng ở thôn Đông, xã An Hải cho biết, trước đây tàu nhận dầu phải đong tính từng can hay bơm tay thủ công rất chậm. Từ ngày có điện và khu neo đậu tập trung, tàu cá cập cảng, nhân viên của đại lý xăng dầu ấn nút rồi cầm vòi bơm xuống một lúc là xong. Việc tính tiền theo bảng điện tử của trụ bơm cũng chính xác, không còn phải nghi ngờ hay cãi nhau.
>> UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thông qua kế hoạch đầu tư phát triển khu bảo tồn biển Lý Sơn rộng 7.925 ha, với số vốn trên 42 tỷ đồng. Khu bảo tồn sẽ phục hồi hệ sinh thái đặc thù, thiết lập rạn nhân tạo cho các loài thủy sinh sinh sản, nuôi các loài thủy sản bản địa có nguy cơ tuyệt chủng như trai tai tượng khổng lồ, trai ngọc, hải sâm. |