Theo điều tra, nghiên cứu, hiện trên địa bàn cả nước, 70-80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ nội địa khi các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư xả chất thải rắn chưa qua xử lý ra các con sông ở vùng ven biển hoặc xả thẳng ra biển.
Thu gom rác trên Vịnh Hạ Long.
Cùng với đó, bình quân một ha nuôi tôm thải ra môi trường khoảng 5 tấn chất thải rắn, hàng chục m3 nước thải trong một vụ tôm. Và với diện tích nuôi tôm khoảng 600.000 ha, mỗi năm thải ra môi trường khoảng gần 3 triệu tấn chất thải rắn. Trong khi đó, hệ sinh thái rừng ngập mặn đang bị suy thoái nghiêm trọng, hiện đang mất đi 68% diện tích rừng ngập mặn so với năm 1943.
Trước nguy cơ ô nhiễm môi trường biển ngày càng cao, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, ngoài những nội dung hết sức quan trọng về phát triển bền vững kinh tế biển, Nghị quyết xác định ô nhiễm môi trường biển ở nhiều nơi còn diễn ra nghiêm trọng, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều hạn chế, bất cập; phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hoà với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường…
Đối với Quảng Ninh, xác định bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách nên năm 2018, tỉnh đã lấy chủ đề công tác năm là “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”. Trong đó tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường đến người dân và doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ nguồn thải gây ô nhiễm môi trường; thực hiện đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than; cải tạo môi trường các bãi thải mỏ, xây dựng tuyến băng tải than, giảm bụi, tiếng ồn; kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải từ hoạt động của các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp; giám sát, vận hành thường xuyên các trạm quan trắc môi trường; rà soát, di dời cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư… Cùng với đó, chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch bằng công nghệ lạc hậu; cơ sở sản xuất vôi thủ công.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Quảng Ninh tích cực triển khai trong thời gian qua đó là bảo vệ môi trường Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Trong đó, dấu ấn đầu tiên là việc triển khai lắp đặt thiết bị phân ly dầu – nước cho toàn bộ tàu du lịch hoạt động trên vịnh, giúp giảm đến mức tối đa lượng nước thải nhiễm dầu (nước la-canh) ra môi trường. Quảng Ninh cũng triển khai nhiều giải pháp rất quyết liệt, như: Cấm các hoạt động chuyển tải clinker, xi măng, di chuyển các hoạt động khai thác, sàng tuyển, bóc rót than trên vịnh; di dời, quy hoạch các điểm cư dân làng chài, địa điểm nuôi hải sản bằng lồng bè, tổ chức thu gom rác thải; hạn chế tối đa việc phát triển quỹ đất đô thị bằng hình thức lấn biển… Theo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, trung bình mỗi ngày, các đơn vị đã thu gom trên 15 khối rác thải trên vịnh và khu vực ven bờ. Từ năm 2017 đến nay đã thu gom gần 3.000 tấn rác thải trôi nổi ven bờ và trên vịnh.
Một minh chứng cho việc ô nhiễm môi trường biển là chỉ cần dạo quanh tuyến đường bao biển từ Khu đô thị Vựng Đâng đến Cột 8 (TP Hạ Long) dễ dàng nhận thấy rác thải đủ loại từ vỏ chai, túi ni lông, vỏ xốp… trôi nổi ven biển hoặc trên bờ vịnh. Đó là chưa kể các cống nước thải từ khu dân cư đổ ra biển nước lúc nào cũng bốc mùi hôi thối, đơn cử như khu vực chợ Hạ Long I, nước biển ở khu vực này lúc nào cũng có màu đen, mùi rất khó chịu.
Để đưa Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng mạnh về biển, hình thành văn hoá sinh thái biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển thì ngay từ bây giờ chúng ta phải bắt tay vào hành động thu gom, xử lý chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường. Trong đó điều quan trọng nhất là tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp. Hãy bảo vệ biển ngay từ bờ.