Năm 2018, xuất khẩu cá tra cán đích thành công với tổng kim ngạch trên 2,2 tỷ USD. Dự báo năm 2019, thị trường xuất khẩu sản phẩm này vẫn rất rộng. Tuy nhiên, toàn ngành cần phải có những thay đổi để thích ứng nhanh.
Xuất khẩu cá tra cán đích thành công với tổng kim ngạch trên 2,2 tỷ USD
Nhìn nhận thực tế
Từ năm 2015 đến 2018, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc – Hồng Kông tăng trưởng liên tục 30 – 88%. Trong đó, riêng 2 năm 2016 – 2017, xuất khẩu cá tra sang thị trường này có dấu hiệu tăng trưởng “nóng”. Tính đến 15/12, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc – Hồng Kông đạt 459,2 triệu USD, tăng 30,1% so cùng kỳ năm 2017. Hiện, 83,47% sản phẩm cá tra xuất khẩu bằng đường bộ qua cửa khẩu Lạng Sơn, 15,6% qua cửa khẩu Quảng Ninh, còn lại qua cửa khẩu Điện Biên, Cao Bằng. Với điều kiện địa lý giao thông thuận lợi, Trung Quốc tiếp tục là thị trường láng giềng rộng lớn và tiềm năng của cá tra Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ rất lớn và đa dạng sản phẩm với nhiều mức giá khác nhau.
Tuy nhiên, đi liền với những thuận lợi đó thì thị trường Trung Quốc cũng chưa thực sự ổn định. Bởi, thị trường này tồn tại một thực tế là đa phần doanh nghiệp và cá nhân bán hàng vào đây vẫn làm theo cách thức cũ, tức là sản xuất cái gì thì bán cái đó, thiếu khảo sát nhu cầu thị trường để có thể vừa kiểm soát tốt về giá cả, vừa đảm bảo đủ lượng cho tiêu thụ.
Được biết, từ tháng 3/2018, Trung Quốc cải tổ cơ cấu một số bộ, ngành, chức năng kiểm nghiệm kiểm dịch thuộc Tổng cục Giám sát chất lượng; theo đó, công tác kiểm nghiệm, kiểm dịch được chuyển giao cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Hải quan cửa khẩu đường bộ Trung Quốc, nhất là khu vực có chung đường biên giới với Lạng Sơn đã tăng cường giám sát và thực hiện nghiêm các quy định đối với hoạt động xuất – nhập khẩu hàng hóa theo hình thức trao đổi cư dân biên giới và giao dịch tại các cặp chợ biên giới; cũng như vận dụng chính sách miễn thuế 8.000 nhân dân tệ/người/ngày đối với hàng hóa trao đổi qua cư dân biên giới đối với một số mặt hàng, trong đó có cá tra và thủy, hải sản.
Thay đổi để phát triển
Đến nay, Trung Đông (UAE) vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng của doanh nghiệp cá tra Việt Nam. Cụ thể, tính đến 15/11, xuất khẩu cá tra sang UAE đạt 45,5 triệu USD, tăng rất mạnh 124,8% so cùng kỳ năm trước. Trong suốt thời gian này, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường đây tăng liên tiếp từ 28 – 190% so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài ra, khu vực Trung Đông còn là nơi tập trung, luân chuyển nguồn hàng thủy sản sang các thị trường khác ở Bắc Phi, Tây Á; đây cũng là thị trường quan trọng, mang tính chiến lược của Việt Nam, các tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật của thị trường cũng không khắt khe như các thị trường Mỹ, EU hay Nhật Bản.
Thời gian gần đây, nhận thấy giá cá tra đang tăng và nhu cầu ổn định tại Trung Đông, Indonesia đã đưa ra một thương hiệu cá tra với mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với cá nuôi tại các thị trường này. Những động thái của Indonesia cộng thêm nghiên cứu mới trong hoạt động nuôi trồng cá tra của Trung Quốc đang là vấn đề để ngành cá tra Việt Nam lưu tâm. Đã tới lúc, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt cần đẩy mạnh hơn nữa chất lượng sản phẩm, để tăng giá bán và có chiến lược trong dài hạn; bởi ngoài sản phẩm cá thịt trắng – đối thủ cạnh tranh trực tiếp nhất với cá tra thì nay tại một số quốc gia cũng đang tính toán tới việc phát triển cá tra cạnh tranh với cá tra Việt Nam trên nhiều thị trường nhập khẩu lớn.
Theo chia sẻ, muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường trọng điểm, doanh nghiệp cần có chiến lược đa dạng vùng nuôi và tập trung hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất thức ăn, đến nuôi cá bố mẹ, cá giống, chế biến và xuất khẩu; nhằm đáp ứng được chất lượng cũng như duy trì “phong độ” xuất khẩu trong bối cảnh nhiều rào cản thương mại như hiện nay.
>>Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, năm 2018, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt khoảng 2,26 tỷ USD, tăng 26,4% so với năm 2017. Mục tiêu năm 2019, xuất khẩu cá tra sẽ mang về khoảng 2,4 tỷ USD. |