Tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá tra được xác định là 3 đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Để phát huy tiềm năng của những loài này, mang lại giá trị cao, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, rất cần quan tâm đến việc thực hiện đăng ký quản lý nuôi.
Chế biến cá tra xuất khẩu (Ảnh: TTXVN)
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quy định tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra là các loài thủy sản nuôi chủ lực (theo Quyết định số 50/2018/QĐ-TTg). Đây là những mặt hàng góp phần tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cao cho người lao động, phát huy hiệu quả tài nguyên, điều kiện tự nhiên của đất nước và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời, cũng là những loài có năng suất và hiệu quả sản xuất cao, có khả năng thu hút đầu tư để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao và có khả năng cạnh tranh với đối tượng thủy sản của quốc gia khác trên thị trường nội địa và xuất khẩu.
Theo ông Trần Đình Luân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, để phát huy tiềm năng của những đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, mang lại giá trị cao, cần thực hiện đăng ký quản lý nuôi đối với những đối tượng này. Một mặt vừa đáp ứng được cân đối cung cầu, mặt khác giúp tiến tới sản xuất có trách nhiệm, truy xuất nguồn gốc, có địa chỉ rõ ràng theo yêu cầu của các nước nhập khẩu. Đặc biệt đối với các nước EU, Mỹ yêu cầu xác định đến tận vùng nuôi thủy sản.
Cùng với việc đăng ký là chính sách hỗ trợ, theo ông Trần Đình Luân, hiện chúng ta đang triển khai một loạt các nhiệm vụ liên quan đến tôm và cá tra. Trong đó, đối với sản phẩm cá tra, Tổng cục Thủy sản đang xây dựng hỗ trợ cùng với doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cá tra phi lê chất lượng cao; thực hiện nghiên cứu bổ sung thêm hàm lượng các chất dinh dưỡng để làm cho cá tra phi lê chất lượng cao hơn.
“Nghiên cứu cải tiến toàn bộ quy trình công nghệ chế biến để sản phẩm cá tra phi lê của chúng ta khi xuất ra bên ngoài tương đương với sản phẩm chất lượng cao cá hồi của Na Uy. Ngoài ra cũng có những nghiên cứu để thúc đẩy tận dụng toàn bộ chuỗi, ví dụ như chất thải chăn nuôi cá tra chúng ta hướng tới xử lý tốt hơn” – ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.
Cũng theo ông Luân, đối với cá tra, cần quan tâm đến các vấn đề nghiên cứu chọn giống, thay thế đàn cá bố mẹ để nâng cao năng suất chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, nâng cao sản phẩm chế biến giá trị gia tăng, trong đó có tận dụng sản phẩm còn lại của chế biến.
Tương tự đối với tôm, hiện nay có một loạt các nghiên cứu và đề nghị với các doanh nghiệp phối hợp thực hiện tiến hành chọn giống tôm thẻ, tôm sú nhằm trong thời gian sớm nhất Việt Nam chủ động được đàn tôm bố, mẹ. Đây cũng là một trong những “điểm nghẽn” của ngành tôm nước ta.
Một lưu ý nữa cần quan tâm đến là cải tiến quy trình nuôi, theo ông Luân, việc ứng dụng công nghệ cao và ứng dụng quy mô nuôi như thế nào cho phù hợp là vấn đề cần tính toán. “Chúng tôi đặt hàng nghiên cứu những quy mô nuôi phù hợp với các tỉnh miền Trung nuôi tôm trên cát, hoặc những quy trình nuôi phù hợp cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” – ông Luân cho hay.
Đặc biệt, để hướng tới bước phát triển mới cho ngành tôm, lợi thế của Việt Nam với diện tích rất lớn trên 600 nghìn ha tôm quảng canh, tôm sú, tôm lúa, tôm rừng cần được tận dụng để có những nghiên cứu đưa diện tích này làm cơ sở xây dựng và phát triển thương hiệu tôm hữu cơ của Việt Nam.
Một phần nữa là nghiên cứu để sử dụng tốt những phần còn lại của ngành công nghiệp chế biến tôm, theo ông Luân, hiện nay, với một khối lượng lớn sẽ hướng đến sử dụng để sản xuất những sản phẩm chức năng, dược phẩm cho ngành y tế và rất nhiều sản phẩm khác có thể khai thác. Tuy nhiên, để thực hiện điều này cần có thời gian tổ chức nghiên cứu.
Đáng chú ý, điều quan trọng là cần kết nối làm sao có được sản phẩm chế biến tốt và nguồn nguyên liệu tốt đến nhà máy; trong đó, để có nguồn nguyên liệu tốt đòi hỏi các vùng nuôi phải quản lý và sản xuất sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đề ra.