Trong 40 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, thủy sản đóng góp gần ¼ với 9 tỷ USD. Thành tích này là sự nỗ lực của các cấp bộ ngành, cộng đồng doanh nghiệp, người nuôi trồng thủy sản trong cả nước.
2018 có thể coi là năm thành công của cá tra Việt Nam
Vượt thách thức
2018 là năm “đảo chiều” giữa hai chủ lực ngành thủy sản là tôm và cá tra. Trong đó, con tôm chịu nhiều áp lực trên các khía cạnh: môi trường, dịch bệnh, giá cả đến tình hình xuất khẩu; nên tuy có tăng về sản lượng nhưng giá trị xuất khẩu lại sụt giảm 7,1% so với năm 2017, khi chỉ mang về 3,58 tỷ USD. Ngay từ đầu năm, các cấp bộ ngành từ Trung ương đến địa phương đã quyết liệt vào cuộc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Phát triển ngành tôm năm 2018 tại Cà Mau; tiếp đó là hội nghị của Bộ NN&PTNT nhằm bình ổn giá tôm nguyên liệu; tích cực triển khai Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến 2025; con tôm trở thành sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản. Mặt khác, vấn đề tôm giống cũng được cải thiện và nâng cao chất lượng, cùng đó là việc hướng tới chủ động nguồn tôm giống bố mẹ.
Trái ngược, 2018 có thể coi là năm thành công của cá tra Việt Nam khi ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc; với kim ngạch đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,4%, diện tích nuôi đạt 5.400 ha (tăng 3,3%) và sản lượng 1,42 triệu tấn (tăng 8,4%) so với năm 2017. Năm 2018, Bộ NN&PTNT đã tổ chức thay thế 30.000 con cá tra bố mẹ nhằm tăng cường và cải thiện chất lượng cá tra giống; thúc đẩy triển khai Dự án sản xuất cá tra 3 cấp tại ĐBSCL và tổ chức liên kết sản xuất cá tra 3 cấp bước đầu mang lại hiệu quả.
Trong năm qua, điểm sáng cho cá tra Việt Nam là việc Cục kiểm tra An toàn Thực phẩm Mỹ công nhận hệ thống kiểm tra cá Siluriformes ở Việt Nam tương đương với hệ thống của nước này. Ngoài ra, việc Bộ Thương mại Mỹ áp thuế chống bán phá giá sơ bộ trong đợt xem xét hành chính thứ 14 thấp hơn nhiều so kết quả của đợt xem xét thứ 13 cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp tăng cường bán hàng vào thị trường Mỹ. Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu cá tra trong năm 2019 sẽ đạt 2,4 tỷ USD; diện tích nuôi dự kiến tăng lên 5,5 triệu ha với sản lượng ước gần 1,47 triệu tấn.
Nỗ lực đổi màu thẻ
Năm 2018, tổng sản lượng khai thác ước 3,3 triệu tấn, tăng 5,9% so với năm 2017 (trong đó: khai thác biển đạt 3,3 triệu tấn, khai thác nội địa 218 nghìn tấn); sản lượng cá ngừ đại dương đạt 16.650 tấn, giảm 7% so với năm 2017. Cả nước hiện có gần 95.847 tàu cá chiều dài từ 6 m trở lên, trong đó 46.491 tàu chiều dài 6 – 12 m, 18.914 tàu từ 12 – 15 m, 27.484 tàu cá từ 15 – 24 m, 2.958 tàu >24 m. Tàu cá vỏ gỗ chiếm tỷ lệ 98,6%, còn lại là vỏ thép và vỏ vật liệu mới. 82 cảng cá đã đi vào hoạt động tại 27 tỉnh, thành phố ven biển. Trong đó, 25 cảng cá loại I, 57 cảng cá loại II, có 9 cảng đáp ứng cho tàu cá công suất lớn nhất là 1.000 CV và 2 cảng đáp ứng cho tàu cá công suất lớn nhất là 2.000 CV cập cảng.
Nhiều chính sách đầu tư phát triển khai thác thủy sản tiếp tục được triển khai có hiệu quả như Nghị định 67 nay là Nghị định 17 sửa đổi bổ sung, Quyết định 48 của Chính phủ… giúp chuyển đổi dần từ nghề cá nhân dân sang nghề cá hiện đại trách nhiệm. Cùng đó, công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cũng được thúc đẩy và triển khai sâu rộng từ trung ương đến các địa phương nhất là hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản được phối hợp tổ chức giữa Tổng cục Thủy sản và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Một trong những nỗ lực rất lớn của ngành thủy sản trong năm 2018 vừa qua chính là việc khắc phục để tiến tới tháo gỡ “thẻ vàng” của EU; hoạt động này đã được phía EU ghi nhận và đánh giá cao.
Mục tiêu 10 tỷ USD
Năm 2019, ngành thủy sản đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bằng 4,25% so với năm 2018. Trong đó: Tốc độ tăng giá trị sản xuất nuôi trồng 5,19%; khai thác 2,72%. Tổng sản lượng thủy sản gần 8 triệu tấn, tăng 3,1% gồm: khai thác 3,6 triệu tấn, tăng 2,5%; nuôi trồng 4,3 triệu tấn, tăng 3,6% (Trong đó: sản lượng cá tra 1,5 triệu tấn, tăng 3%; tôm các loại 852 nghìn tấn, tăng 6,5%). Kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD, tăng 11,1%.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, để thực hiện mục tiêu xây dựng nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững, ngành thủy sản cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, phát triển nghề cá theo hướng hiện đại, bền vững thân thiện với môi trường và đáp ứng các thông lệ quốc tế, có như thế mới đảm bảo được sinh kế lâu dài của người dân sống dựa vào đánh bắt hải sản. Bên cạnh đó, quản lý, giám sát, kiểm soát được hoạt động của tàu cá trên biển thông qua hệ thống quản lý tàu cá kết hợp tăng cường thực thi pháp luật để xử lý nghiêm các hành vi khai thác bất hợp pháp. Quy hoạch lại đội tàu khai thác thủy sản, gắn liền hoạt động khai thác với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo ngư trường nguồn lợi cho hoạt động khai thác thủy sản, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác không thân thiện với ngư trường nguồn lợi.
>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung trong năm 2019 là: tháo gỡ “thẻ vàng” của EU; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhất là với 2 sản phẩm quốc gia là tôm nước lợ và cá tra; cùng đó là vấn đề chủ động phòng trừ dịch bệnh, xây dựng và phát triển vùng an toàn dịch bệnh để đảm bảo sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu. Mặt khác, cần giảm tổn thất sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản xuất, chất lượng sản phẩm… |