Tại Trung Quốc, buôn lậu là vấn nạn nhức nhối và dai dẳng trong ngành thủy sản. Cơ quan Hải quan nước này đã quyết định siết chặt quản lý để tiễu trừ vấn nạn này.
Ảnh minh họa
Truy quét
Hải quan các tỉnh Thiên Tân, Sơn Dương, Thượng Hải, Thanh Đảo, Trạm Giang và Nam Ninh đã cùng nhau tác chiến, tạo thành mạng lưới giám sát chặt chẽ trên cả nước nên đã phá vỡ 16 đường dây buôn lậu thủy hải sản tại Trung Quốc gần đây. Theo nguồn tin chính thức, đường dây buôn lậu này đang vận chuyển 30.700 tấn thủy sản đông lạnh, trị giá 1,45 tỷ CNY (210 triệu USD); những lô hàng này có nguồn gốc từ nhiều vùng như Nam Mỹ và được sản xuất từ năm 2015, vận chuyển lậu vào Trung Quốc qua đường biên giới.
Cuối tháng 10/2018, Hải quan Trạm Giang tiếp tục phá vỡ 9 đường dây buôn lậu thủy sản và bắt giữ 25 đối tượng tình nghi nhờ sự hỗ trợ của hải quan các thành phố khác như Nam Ninh, Thượng Hải và Thanh Đảo. Phía Hải quan cũng thu giữ tại hiện tường 1.400 tấn thủy sản đông lạnh, chủ yếu là tôm cùng nhiều giấy tờ gồm hợp đồng và hóa đơn thương mại. Nhóm buôn lậu nói trên đã hoạt động từ năm 2015 và buôn bán trót lọt hơn 7.800 tấn thủy sản đông lạnh trị giá khoảng 417 triệu CNY (60 triệu USD) qua đường biên giới.
Trong khi, một số cơ quan tòa án đã bắt đầu khởi tố các vụ buôn lậu thủy hải sản. Đơn cử, Tòa án Nhân dân Giang Tô gần đây đã khởi tố một vụ buôn lậu của 3 thương lái tại địa phương bị tình nghi buôn lậu tôm Việt Nam từ tháng 2/2015 tới tháng 12/2017. Theo nhà chức trách, 3 đối tượng trên đã trốn 52 triệu CNY tiền thuế. Ngoài ra, họ còn bị tình nghi buôn lậu thủy sản Malaysia từ tháng 7/2015 đến tháng 11/2017, gây thiệt hại hơn 3 triệu CNY tiền thuế.
Đơn giản hóa thủ tục
Những công ty của nước ngoài, như các nhà cung cấp tôm thẻ tại Ecuador cũng đã bắt đầu bán thủy sản sang Trung Quốc qua các kênh hợp pháp. Trong khi, Chính phủ cũng thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy nhập khẩu thủy hải sản nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng thực phẩm nội địa. Ngoài ký kết hiệp định thương mại tự do với nhiều nhà cung cấp thủy hải sản, Trung Quốc cũng đang nỗ lực cải tiến thủ tục thông quan nhanh chóng hơn; đồng thời nâng cao năng lực logistics.
Đơn cử, một công ty thương mại tại Trùng Khánh đã làm xong thủ tục thông quan cho lô hàng 1,2 tấn tôm nhập khẩu trong tháng 12 từ Thái Lan trong khoảng thời gian chưa đến một tiếng đồng hồ. Trước đây, các doanh nghiệp thường phải mất 3 tiếng đồng hồ để hoàn tất thủ tục thông quan hàng hóa thủy sản nhập khẩu sau khi hàng tới nơi, khiến tỷ lệ hải sản bị chết lên đến 30%. Nhưng nay, tỷ lệ này đã giảm 20 – 10% nhờ có khu vực thông quan dành riêng cho thủy sản tươi sống với thời gian xử lý rút gọn dưới 1 giờ. Nhìn chung, thời gian thông quan hàng hóa hiện đã giảm 61,4% với các lô hàng vận chuyển bằng máy bay hàng hóa và 71,4% cho những lô hàng vận chuyển trên máy bay chở khách so đầu năm 2018.
Ngoài Trùng Khánh, Hải quan Thâm Quyến cũng đã đơn giản hóa thủ tục thông quan. Ngoài ra, các công ty nhập khẩu có thể thông quan online khi hàng tới nơi, nếu mọi kê khai trên mạng khớp với giấy tờ thương mại liên quan, doanh nghiệp có thể lấy hàng ngay mà không bị kiểm tra thêm. Những giải pháp này đã giảm một nửa thời gian thông quan trong khi tạo điều kiện cho các lô hàng thực phẩm tươi sống được đưa ra thị trường nhanh chóng hơn. Đầu tháng 12/2018, Hải quan Thâm Quyến đã thông quan lô hàng bào ngư nhập khẩu từ Australia chỉ trong vòng 50 phút, giúp tỷ lệ bào ngư sống tăng cao và đảm bảo vị tươi ngon của sản phẩm.
>> Ngành thủy sản của Trung Quốc từng bị xáo trộn bởi nạn buôn lậu suốt thời gian dài nhưng nay Chính phủ đã quyết tiêu trừ tệ nạn này. Chiến lược tiếp cận “carrot-and-stick” (củ cà rốt và cây gậy) của Chính phủ Trung Quốc đã phát huy hiệu quả tại thời điểm hiện tại và được kỳ vọng là công cụ làm trong sạch ngành thủy sản, mang lại lợi nhuận bền vững cho ngành này. |