“Ai mua huyết không, mua gai không…”, “huyết bò nhuộm lưới lá gai đây…”, những tiếng rao này từng vang lên khắp làng chài ven biển. Nhưng huyết, gai không phải mang về để chế biến món ăn, mà là dệt thành lưới đánh cá, bởi thời đó không dễ sắm được một giàn lưới đánh cá.
Ngư dân đánh lưới ny lon trên biển, là loại lưới có màu sắc giống lưới nhuộm huyết bò ngày xưa. Ảnh: L.V.C
Trước năm 1960, hầu hết làng chài miền Trung là những túp lều núp sau bờ dứa dại nằm dọc ven biển. Dứa dại trở thành bức tường che chắn cho những túp lều tránh bão. Làng chài luôn thấp thoáng những chiếc thuyền buồm và thoảng trong gió là tiếng hò hát theo nhịp mái chèo để tàu vượt sóng ra cửa. Thời buổi càng lạc hậu, cuộc sống dân chài càng cực khổ. Thời đó làm gì có lưới cước, ngư dân đánh lưới được dệt từ sợi cây gai, sau đó tiến bộ hơn là lưới dệt bằng sợi vải cô tông rồi mới đến lưới cước. Ngày đó, huyết bò được làm chế phẩm nhuộm màu cho lưới.
Trước đây, cứ độ tháng 6 âm lịch là ngư dân đâm chèo vô bụi, kéo thuyền lên bờ nghỉ đông. Làng chài ngồi ngóng biển cũng là lúc người dân ở trên nguồn gánh huyết bò, lá cây gai về rao bán. Các cụ cao niên ở làng chài xã Tam Quang, Núi Thành, nhớ lại, mỗi người bán rong trên vai kĩu kịt gần cả tạ huyết bò khô và đong bán bằng lon sữa bò hoặc chiếc bát. Huyết bò phơi khô và được nghiền nhỏ, khi ngâm nước sẽ ra màu như cà phê. Ước tính 10kg huyết khô thì ngư dân nhuộm được 10kg lưới.
Lưới dệt bằng sợi lá gai sẽ có màu trắng, muốn đánh được cá thì phải nhuộm sang màu nâu, đỏ hoặc đen. Công đoạn ban đầu là nhúng lưới vào nồi nước huyết, mang đi phơi khô, quay trở lại làm bồ hong. Bồ hong lưới chẳng khác nào nấu một nồi bánh chưng. Đó là lấy một nồi to (nồi 7) đổ nước, chất đầy bếp củi đun thật kỹ. Lưới được đặt trong rọ tre cao khoảng 1,5 mét đặt bên trên, xung quanh được trét phân bò khô. Cả giàn lưới được hấp hơi từ lúc 3 giờ sáng đến 3 giờ chiều, nên gia chủ phải chuẩn bị cả đống củi, chẳng khác nào đang nấu nồi bánh. Mỗi tấm lưới khi được nhuộm huyết khá công phu, nhưng chỉ 2 tháng sau đã phải nhuộm lại, bởi màu huyết rất nhanh phai khi sử dụng trong môi trường nước mặn. Vì vậy ngư dân bồ hong lưới thật kỹ với hy vọng màu huyết sẽ ngấm vào sợi, giữ cho màu lưới lâu phai.
Công đoạn cuối cùng là nhuộm lưới với dầu củ trảu, chất dầu tiết ra bám vào lưới để chống phai màu và làm cho lưới không bị thấm nước dẫn đến nhanh mục. Ở một số làng chài, bà con phát minh ra loại màu từ củ mì. Lấy vỏ củ mì bó thành cuộn, ngâm cho ra màu đỏ chuyển sang đen thì mới bắt đầu nhuộm lưới. Kết thúc quá trình nhuộm lưới, nếu sợi lưới láng bóng, có màu đều, ít ngấm nước, sợi không thô cứng có nghĩa là đã sắm được giàn lưới tốt. Dưới chân của tấm lưới ngư dân thường viền một lớp lưới xấu hoặc lưới cũ khoảng chục mặt đan để lưới được kéo giãn ra, chống xơ cứng và dồn cục.
Thời nghèo khó, mỗi chiếc thuyền đi biển thường chở theo 9 phần lưới là phần hùn của 9 người, bình quân mỗi người có 8 tấm lưới, mỗi tấm lưới chuồn này có chiều dài khoảng 30 mét. Lưới chuồn nhuộm màu nâu được ngư dân nâng niu như vật quý. Mỗi khi thuyền vào bến, sau khi bán cá lưới được trải đều phơi trên bãi. Khi lưới vừa kịp khô phải nhanh chóng dồn vào bao và mang vào đặt trong bóng râm. Dù tằn tiện và gìn giữ lưới kỹ lưỡng, nhưng mỗi tấm lưới chỉ có tuổi thọ khoảng 20 tháng.
Sau năm 1965, những ngư dân khá giả đã bắt đầu mua được lưới công nghiệp. Trong cổ phần lưới gai của ngư dân, thỉnh thoảng xen vài tấm lưới vải. Lưới vải là loại sợi cô tông được nhập từ Hồng Kông sang. Các cuộn sợi vải được bán từng cục tròn, ngư dân mua về phải thực hiện công đoạn làm hồ – nấu bột gạo cho dẻo và thả sợi vào cho săn, sau đó phơi và vò lại cho mềm thì mới có thể quay bện lưới. Bột gạo khi se lưới chỉ được quấy lỏng không làm đặc.
Từ khi chuyển dần sang lưới cước, làng chài thưa dần tiếng rao “ai mua huyết không, mua gai không…”, “huyết bò nhuộm lưới lá gai đây…”. Khắp làng cũng không còn nghe thoảng mùi chua ngâm lá gai để chờ ngày tước sợi. Giờ đây nhắc lại chuyện huyết bò nhuộm lưới, trong ký ức của những ngư dân lớn tuổi ở các làng chài đều gợi lại âm thanh của cả làng chặt củi dồn đống, ngoài bãi cát là những túp lều rơm tỏa khói nghi ngút như nấu bánh tét ngày xuân, đó là lúc cả làng thi nhau bắc nồi nấu để bồ hong, nhuộm lưới.