Hiện nay, huyện Hậu Lộc đang thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đóng mới và sửa chữa tàu cá tại Công ty đóng tàu Tuyên Phong (xã Hòa Lộc, Hậu Lộc).
Mục tiêu là tạo bước phát triển đột phá về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh sản phẩm thủy sản có tiềm năng, lợi thế và thị trường tiêu thụ với sản phẩm khai thác biển và các loài con nuôi chủ lực.
Thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản trên các mặt: Chuyển đổi đất đai, mô hình sản xuất; ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới trong khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản; tổ chức sản xuất gắn với đề án phát triển nông nghiệp huyện Hậu Lộc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm. Cụ thể, huyện Hậu Lộc thực hiện mục tiêu đưa diện tích nuôi thủy sản từ 1.694 ha (năm 2015) tăng lên 2.167 ha (năm 2020); sản lượng nuôi trồng từ 12.287 tấn (năm 2015) lên 16.000 tấn (năm 2020). Phấn đấu đến năm 2020 giá trị sản xuất bình quân 1 ha nuôi thủy sản đạt 195 triệu đồng/năm, đến năm 2025 đạt 250 triệu/ha. Sản lượng khai thác từ 22.731 tấn (năm 2015) lên 30.000 tấn (năm 2020).
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc Nguyễn Văn Long, cho biết: Hậu Lộc đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, như quy hoạch tổng thể ngành nông-lâm-thủy sản trên địa bàn chi tiết đến từng xã, từng vùng, bảo đảm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, cơ sở; cùng với việc vận dụng các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh, huyện đã ban hành một số chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành thủy sản; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại và thị trường tiêu thụ sản phẩm; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thủy sản; triển khai sâu rộng Luật Thủy sản 2017 đến chính quyền và người dân; kiểm soát tốt tàu thuyền khai thác hải sản; tiếp tục nghiên cứu và nhân rộng công nghệ sinh sản đối với giống cua, ngao, tôm sú; phát triển vùng nuôi thủy sản thâm canh tập trung ứng dụng công nghệ cao…
Đối với khai thác, huyện đã tập trung chuyển đổi ngành nghề khai thác theo hướng ứng dụng công nghệ mới, căn cứ vào ngư trường, sự xuất hiện của nguồn lợi thủy sản để bố trí nghề phù hợp với vùng, tuyến biển gắn phát triển khai thác hiệu quả, bền vững, giảm tiêu hao nhiên liệu, tiết kiệm chi phí, đạt hiệu quả kinh tế cao. Tăng cường quản lý hoạt động khai thác, triển khai Tháng Hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm khai thác bền vững, bảo vệ môi trường. Triển khai thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Tính đến tháng 2-2019, toàn huyện có 769 tàu cá, trong đó có 433 phương tiện công suất từ 90 CV trở lên được ứng dụng kỹ thuật tiên tiến như máy dò cá, máy định vị khai thác xa bờ. Toàn huyện đã đóng mới được 15 tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, phấn đấu đến năm 2020 có trên 500 tàu cá công suất từ 90 CV trở lên, trong đó có 151 tàu có công suất từ 400 CV trở lên đủ sức vươn khơi bám biển dài ngày.
Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (tổng diện tích hiện tại là 1.837 ha), các đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, ngao Bến Tre… Huyện đã chỉ đạo các xã chuyển 355 ha đất trồng lúa sâu trũng kém hiệu quả sang sản xuất theo mô hình trang trại tổng hợp như lúa-cá… Chuyển 136 ha (đất sản xuất muối kém hiệu quả và vùng ven đê nhiễm mặn) sang nuôi nước lợ. Tập trung chỉ đạo hoàn thành đề án chuyển đổi đất sản xuất muối tại 2 xã (Hòa Lộc và Hải Lộc) nhằm nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập cho diêm dân. Riêng năm 2018 huyện đã chuyển đổi được 35 ha đất sản xuất muối, lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm thẻ chân trắng cho giá trị kinh tế cao. Năm 2019, huyện phấn đấu chuyển đổi 86,15 ha, chủ yếu là đất lúa vùng trũng và đất làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Thực hiện 2 mô hình thâm canh tôm thẻ chân trắng trong nhà bạt tại xã Hòa Lộc. Phấn đấu đến năm 2020, đưa diện tích nuôi nước ngọt đạt 927 ha. Ổn định diện tích nuôi ngao Bến Tre 703 ha tại các xã vùng bãi ngang của huyện. Vùng nuôi ngao Bến Tre của huyện đang từng bước thực hiện các khâu kiểm soát để đủ điều kiện nằm trong chuỗi sản xuất-chế biến-tiêu thụ tại thị trường khối EU, nhằm nâng cao giá trị.
Về chế biến dịch vụ hậu cần nghề cá: Huyện đang tích cực kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến ngao, bột cá, doanh nghiệp cấp đông sản phẩm hải sản khai thác có giá trị xuất khẩu và phát triển Cảng cá Hòa Lộc thành trung tâm thu mua, chế biến hải sản. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến hải sản tại Cụm công nghiệp nghề cá Hòa Lộc. Từng bước hình thành đội tàu dịch vụ hậu cần trên biển, phấn đấu đến năm 2020 đóng mới 7 tàu trên 400 CV làm dịch vụ hậu cần nghề cá để chủ động thu mua hải sản tại ngư trường cho các tàu khai thác của huyện.
Kết quả, năm 2018 tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng của huyện Hậu Lộc đạt 45.611 tấn, tăng 21,6% so với năm 2017. Tuy nhiên, quy mô sản xuất của ngành thủy sản của huyện còn nhỏ lẻ, phân tán. Nuôi trồng thủy sản thiếu tính ổn định, chưa bền vững, công tác quản lý, kiểm dịch giống, vật tư, nguyên liệu “đầu vào” còn nhiều bất cập. Tỷ trọng giá trị sản xuất của ngành thủy sản trong cơ cấu ngành nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nhiều tàu cá công suất nhỏ, khả năng vươn ra các vùng khơi, vùng lộng để khai thác còn hạn chế, không an toàn, nhất là trong mùa mưa, bão…
Năm 2019, huyện Hậu Lộc phấn đấu đạt tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng 46.000 tấn; giá trị sản xuất thủy sản đạt 1.636 tỷ đồng. Để đẩy nhanh việc tái cơ cấu tạo đột phá phát triển toàn diện, bền vững ngành thủy sản trong những năm tới, cùng với quyết tâm chính trị, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực khắc phục khó khăn của cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp – đây được coi là nguồn nội lực quan trọng của địa phương. Trước mắt, huyện Hậu Lộc đã và đang chủ động triển khai các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế thủy sản năm 2019. Về lâu dài, cùng với vận dụng và triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, huyện rất cần sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng cho phát triển thủy sản ở địa phương như: Đầu tư kinh phí cho việc nạo vét luồng lạch Cảng cá Hòa Lộc và khu neo đậu cho tàu thuyền nghề cá Lạch Trường; xem xét lập quy hoạch vùng nuôi ngao tập trung của tỉnh (một trong những con nuôi chủ lực của tỉnh) gồm cả Hậu Lộc và Nga Sơn để có cơ chế quản lý đặc thù, tạo môi trường thuận lợi cho nghề nuôi ngao phát triển…
Bài và ảnh: Thùy Dương