Để giảm thất thoát sau thu hoạch, nâng cao chất lượng cá ngừ, phục vụ chế biến XK, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết giữa DN với các chủ tàu.
Chất lượng cá ngừ nâng lên nhờ chuỗi liên kết
Từ đó, DN đã hướng dẫn ngư dân quy trình khai thác, sơ chế, bảo quản để cá ngừ có chất lượng tốt nhất. Còn ngư dân được khuyến khích và tuân thủ theo quy trình đã hướng dẫn để hưởng các chính sách của DN, trong đó có hỗ trợ thêm về giá thu mua thông qua lô cá ngừ có chất lượng.
Đó là chia sẻ của ông Võ Khắc Én, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Khánh Hòa.
Theo ông Én, toàn tỉnh có hơn 1.300 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó khoảng 600 tàu chuyên đánh bắt cá ngừ. Trước đây, ngư dân bảo quản sản phẩm sau khai thác theo phương pháp truyền thống với nước đá, chưa chú trọng khâu sơ chế và tuân thủ các kỹ thuật về bảo quản, khi sản phẩm đưa vào bờ chất lượng kém.
“Từ khi Chi cục tuyên truyền, hướng dẫn quy trình bảo quản sau khai thác, đồng thời đứng ra làm đầu mối để DN và ngư dân liên kết chuỗi từ khai thác, thu mua, chế biến đến tiêu thụ, đã giúp chất lượng cá ngừ tăng lên đáng kể. Cụ thể hàng bay chiếm đến trên 10%, còn đạt hàng loại A chiếm từ 60-70% trên tổng sản phẩm”, ông Én chia sẻ.
Khánh Hòa hiện có 3 chuỗi liên kết khai thác thu mua, chế biến tiêu thụ cá ngừ. Cụ thể, chuỗi liên kết khai thác thu mua, chế biến tiêu thụ cá ngừ đại dương giữa Cty TNHH Thịnh Hưng và Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng, với trên 100 tàu tham gia. Chuỗi liên kết thác thu mua, chế biến tiêu thụ cá ngừ vằn giữa Cty TNHH Tín Thịnh và THT nghề cá Vĩnh Phước với 25 tàu tham gia và chuỗi liên kết cá ngừ giữa Cty TNHH T-H với THT nghề cá Trường Sa.
Để khuyến khích ngư dân chú trọng khâu bảo quản sản phẩm sau khai thác, các DN hỗ trợ cho các chủ tàu dụng cụ, quy trình kỹ thuật sơ chế, bảo quản và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cá ngừ theo giá thị trường.
Đồng thời, các Cty còn có chính sách thu mua giá theo thị trường và hỗ trợ thêm 1.000 đồng/kg đối với chuỗi cá ngừ sọc dưa và 2.000 đồng/kg đối với chuỗi cá ngừ đại dương áp dụng cho toàn bộ lô cá ngừ sau khai thác có 10% số sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất.
Từ đó, các chủ tàu tham gia chuỗi rất phấn khởi, yên tâm sản xuất. Còn phía các Cty cũng nhờ mối liên kết này đã thu mua được sản phẩm cá ngừ có chất lượng sau khai thác, ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến XK.
Chất lượng cá ngừ đại dương đang được cải thiện đáng kể
Các chủ tàu tham gia chuỗi thừa nhận, trước đây chỉ quan tâm đến sản lượng cá khai thác và không quan tâm đến chất lượng sản phẩm do các nậu vựa thu mua theo giá chung. Tuy nhiên sau khi tham gia chuỗi, giá sản phẩm cá ngừ được cải thiện, ổn định nên ngư dân đã ý thức trong khâu sơ chế, bảo quản bằng cách đầu tư hầm bằng vật liệu Polyurethane (PU foam) hay composite, giúp hầm giữ trữ nước đá với tỷ lệ hao hụt dưới 5% trong thời gian 20 ngày.
Ngư dân Cao Văn Thơ, một chủ tàu ở Phước Đồng (TP Nha Trang) bày tỏ: Sau 2 năm tham gia chuỗi liên kết, chúng tôi đã chú trọng khâu sơ chế, bảo quản sau khai thác, nhờ vậy chất lượng cá ngừ ngày được nâng lên. Bằng chứng là đã được Cty 2 lần khen thưởng cho tàu, bởi đánh bắt cá ngừ có sản lượng cao, chất lượng tốt”.
>> Ông Nguyễn Trọng Thuận, GĐ điều hành Cty TNHH Thịnh Hưng cho biết, DN đã chuyển giao kỹ thuật để ngư dân thực hiện giết mổ cá ngừ đạt yêu cầu. Theo đó, cá đưa lên tàu cần cắt đuôi, giết mổ lấy nội tạng và “giết” hệ thần kinh trung ương bằng cách chọc tủy sống từ đầu cá xuyên suốt xuống tủy của xương sống. Chất lượng cá ngừ thương phẩm cao nhất dùng cho ăn sống sashimi, được XK bằng đường hàng không tới Nhật Bản, EU và Mỹ. Tiếp đến là hàng cấp đông có xử lý CO (tạo màu cho cá) XK sang thị trường Mỹ (EU không chấp nhận xử lý khí CO). Các sản phẩm dạng này thường được dùng qua gia nhiệt (chiên, hấp…). Cuối cùng là hàng chỉ sản xuất thường (không xử lý khí CO và cũng không lên được màu) sang thị trường EU. Cách dùng cũng qua gia nhiệt. |
Kim Sơ – Lê Khánh
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam