Năm 2018, dù không đạt con số đột biến như năm 2017 nhưng số lượng lô hàng thuỷ sản khai thác xuất khẩu bị các thị trường cảnh báo được đánh giá vẫn ở mức cao.
Các doanh nghiệp cần quan tâm, chủ động cập nhật chương trình kiểm soát chất lượng để kiểm soát có hiệu quả hơn nữa chất lượng, an toàn thực phẩm các lô hàng do mình sản xuất. Ảnh: Nguyễn Thanh
Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT), kết quả kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm các cơ sở chế biến thuỷ sản khai thác xuất khẩu năm 2018 cho thấy: Có 507 cơ sở hạng 1,2; 82 cơ sở hạng 3 và 1 cơ sở hạng 4.
Nhìn chung, các cơ sở duy trì điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong chế biến hải sản không có nhiều đổi thay so với kết quả kiểm tra năm 2017.
Năm 2018, 590 cơ sở chế biến thuỷ sản khai thác trên đã xuất khẩu đi trên 100 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 41 quốc gia, vùng lãnh thổ có yêu cầu cấp phép doanh nghiệp và chứng nhận an toàn thực phẩm lô hàng. Tổng số lô hàng được kiểm tra và cấp chứng thư các thị trường có yêu cầu chứng nhận bởi cơ quan kiểm tra là 54.028 lô, tăng 7,3% số lô so với năm 2017.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết khai thác vụ cá Bắc năm 2018-2019, triển khai khai thác cá vụ Nam năm 2019 do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức chiều nay 31/3, tại TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), ông Nguyễn Như Tiệp-Cục trưởng Nafiqad cho biết: Qua hoạt động lấy mẫu kiểm tra các lô hàng xuất khẩu cũng như hoạt động lấy mẫu thẩm tra lô hàng sản xuất của các doanh nghiệp ưu tiên, các cơ quan kiểm tra đã phát hiện 70 trường hợp không đáp ứng yêu cầu, tăng so với năm 2017 là 60 lô và năm 2016 là 47 lô.
Ngoài ra, đáng chú ý là năm 2018, tại các thị trường xuất khẩu chính của thuỷ sản khai thác, Nafiqad đã nhận được thông tin về 35 lô hàng thuỷ sản khai thác xuất khẩu của Việt Nam bị các thị trường cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, cảnh báo về chỉ tiêu kim loại nặng chiếm 54,2%; vi sinh chiếm 20%; histamine chiếm 5,8% và chỉ tiêu khác là 20%.
Con số cảnh báo này đã giảm đáng kể so với số lượng 55 lô của năm 2017 nhưng vẫn cao hơn con số 28 lô của năm 2016. Các thị trường cảnh báo là EU (15 lô); Nga (20 lô).
Việc số lô hàng bị cảnh báo gia tăng đột biến trong năm 2017 so với năm 2016 được Nafiqad lý giải là bởi sau sự cố biển miền Trung, các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là EU và Hàn Quốc đã có các biện pháp kiểm tra, lấy mẫu tăng cường các chỉ tiêu kim loại nặng đối với các lô hàng thuỷ sản của Việt Nam.
“Trong năm 2018, dù các lô hàng bị cảnh báo đã được cải thiện song vẫn còn cao. Do vậy, các doanh nghiệp cần quan tâm, chủ động cập nhật chương trình kiểm soát chất lượng để kiểm soát có hiệu quả chất lượng, an toàn thực phẩm các lô hàng do mình sản xuất”, ông Tiệp nói.
Liên quan tới nguyên nhân khiến các lô hàng thuỷ sản xuất khẩu bị cảnh báo tại các thị trường, Nafiqad chỉ rõ: Đối với mối nguy kim loại nặng là bởi cá khối lượng lớn, sống lâu năm nên trong quá trình sống, kiếm mồi đã tích luỹ hàm lượng kim loại nặng.
Đối với mối nguy histamine và vi sinh vật, nguyên nhân chủ yếu là bởi nguyên liệu, bán thành phẩm không được bảo quản, chế biến tại nhiêt độ thích hợp. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp việc đảm bảo chế độ vệ sinh dụng cụ, công nhân chưa đảm bảo.
Thời gian tới, Nafiqad đề xuất các đơn vị chức năng liên quan của Bộ NN&PTNT chỉ đạo cơ quan địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội tổ chức quản lý, kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo đúng quy định đối với toàn bộ các cảng cá, tàu cá; hướng dẫn hỗ trợ xây dựng, nhận rộng xây dựng các mô hình chuỗi liên kết trong khai thác, thu mua, chế biến xuất khẩu để đảm bảo quản lý, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản khai thác cần tiếp tục rà soát, cập nhật, nâng cấp chương trình quản lý chất lượng để kiểm soát có hiệu quả các mối nguy an toàn thực phẩm đối với sản phẩm khai thác như kim loại nặng, histamine…
Thanh Nguyễn
Theo Báo Hải Quan