Mấy năm gần đây, số lượng tàu cá ở hai tỉnh Kiên Giang, Cà Mau không ngừng tăng lên nhưng nguồn lao động làm việc trực tiếp trên biển khan hiếm chưa từng có.
Do cầu lớn hơn cung, nhiều ngư phủ đã nhận tiền ứng của chủ tàu rồi bỏ trốn…
Không ký kết hợp đồng lao động, giữa chủ tàu và ngư phủ không có ràng buộc về mặt pháp lý. Trong ảnh: thu hoạch sau chuyến đi biển ở Cà Mau – Ảnh: Đ.Triều
Ông Trần Hon – chủ tàu cá tại P.An Hòa, TP Rạch Giá (Kiên Giang), đồng thời là phó chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá – cho biết chuyện tàu cá nằm bờ vì thiếu lao động giờ đã thành chuyện thường ngày ở xứ biển này.
Ứng tiền rồi lặn mất tăm
Ông Hon kể gia đình ông có bốn cặp tàu công suất lớn chuyên cào khơi trên ngư trường biển Tây. Mỗi cặp tàu phải cần 25 lao động, nếu cùng lúc cả bốn cặp tàu ra khơi thì phải cần đến 100 người. Tuy nhiên, do không đủ người đi biển nên thường có một, hai cặp tàu phải nằm lại. Có lúc mọi thứ chuẩn bị cho chuyến ra khơi đã đâu vào đó mà ngư phủ tìm chẳng thấy đâu.
Biết được tình trạng lao động khan hiếm nên nhiều ngư phủ dùng chiêu nhận lời đi biển để xin chủ tàu cho tạm ứng tiền rồi lặn mất tăm khiến chủ tàu vừa mất tiền tạm ứng vừa phải hủy cả chuyến ra khơi. “Từ đầu năm đến giờ, chỉ tính riêng tiền ngư phủ tạm ứng rồi quỵt của tui đã hơn 200 triệu đồng” – ông Hon nhẩm tính.
Ông Tư Biểu, chủ 15 tàu cá ở khóm 2, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), kể có lần cận ngày tàu khởi hành nhưng còn thiếu sáu ngư phủ nên ông nhờ Hải – một ngư phủ làm việc lâu năm với ông, tìm giúp. Hải dẫn năm thanh niên khỏe mạnh đến gặp vợ chồng ông nói đồng ý theo tàu. “Năm người này nhờ Hải bảo lãnh ứng của vợ chồng tôi 18,5 triệu đồng để vợ con họ sinh sống lúc họ đi tàu. Nào ngờ người và tiền sau đó một đi không trở lại” – bà Trần Thị Dung, vợ ông Tư Biểu, nhớ lại. Sau lần này, bà Dung còn bị người ta lừa lấy 6,5 triệu đồng cũng bằng chiêu hứa đi tàu để tạm ứng tiền rồi… chuồn!
>> Một người lừa đến 6 chủ tàu Chỉ trong năm 2011, đồn biên phòng Sông Đốc (Cà Mau) tiếp nhận và xử lý hơn 40 vụ ngư phủ mượn tiền chủ tàu rồi bỏ trốn. Trong đó có vụ ngư phủ Lê Duy Khánh lừa đến sáu chủ tàu ở Sông Đốc. Qua biên bản lời khai tại cơ quan chức năng, Khánh thừa nhận đã mượn của sáu chủ tàu tổng cộng 20,5 triệu đồng nhưng không đi cho tàu nào. Đến lần thứ sáu, khi gần ngày tàu khởi hành, Khánh tìm đường bỏ trốn thì bị tố giác, bắt giữ. Số tiền Khánh mượn của sáu chủ tàu đến nay vẫn chưa hoàn lại. |
Ông Trương Văn Ngữ, chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá, thừa nhận chuyện chủ tàu cá bị ngư phủ cuỗm tiền xảy ra như cơm bữa nhưng không biết cách nào khắc phục. Chủ tàu cá thường không trả lương cho ngư phủ mà chỉ hợp đồng ăn chia lợi nhuận sau khi trừ chi phí của mỗi chuyến đi. Tỉ lệ ăn chia 6-4 hoặc 5-5 tùy chủ tàu. Để giữ chân ngư phủ, chủ tàu thường quy định phải sau 5-6 chuyến đi biển mới chia lợi nhuận một lần. Trong thời gian chờ chia thành quả lao động, ngư phủ chỉ được tạm ứng để tiêu xài. “Bây giờ ngư trường chật chội, tàu nhiều nên năng suất đánh bắt giảm thấp, có chuyến về chỉ lời vài chục triệu đồng, có khi còn lỗ vốn nên ngư phủ chỉ được 2-3 triệu đồng/người, thế là họ nản tìm qua tàu khác” – ông Ngữ nói.
Chúng tôi hỏi vì sao chủ tàu không ký hợp đồng lao động với ngư phủ để làm căn cứ ràng buộc trách nhiệm giữa hai bên, ông Ngữ bảo các chủ tàu cũng đã nghĩ tới việc này nhưng tập quán lâu nay của dân đi biển là mọi giao dịch chỉ bằng lời hứa miệng, bây giờ có đề nghị ký hợp đồng thì ngư phủ cũng không chịu ký.
Theo ông Ngữ, do thiếu lao động nên có người nhận lời ra khơi là chủ tàu mừng lắm rồi. Chủ tàu nào khắt khe cũng chỉ giữ chứng minh nhân dân của ngư phủ để làm tin. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp khi tàu chạy ra cách bờ vài cây số là ngư phủ nhảy xuống biển trốn. Thậm chí có người còn phá cho tàu hỏng hóc để khi tàu cập vào các đảo sửa chữa thì bỏ trốn khiến tàu không đủ người làm việc, phải quay về. “Nhiều chủ tàu chỉ trong 1-2 năm gần đây có đến vài chục ngư phủ bỏ trốn. Các chủ tàu này giữ hàng chục chứng minh nhân dân của ngư phủ nhưng chỉ để làm kỷ niệm vì không hơi sức đâu đi tìm, mà có tìm gặp cũng chắc gì đòi được tiền” – ông Ngữ nói.
Không ai quản lý
Các chủ tàu than bị ngư phủ lừa lấy tiền tạm ứng rồi chuồn mất, còn ngư phủ cho rằng nghề này nhiều rủi ro, nguy hiểm và bạc bẽo. Anh Bùi Văn Toàn, một ngư phủ ở cửa biển Sông Đốc, tâm sự: “Cùng là người làm công nhưng công nhân công ty này công ty nọ có hợp đồng lao động, được mua bảo hiểm đủ thứ, khi bị ức hiếp còn có tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi. Còn ngư phủ chúng tôi nếu chủ tàu làm ăn thua lỗ thì không có tiền nuôi vợ con. Nhiều khi gặp bão chìm tàu, chết chóc… Khi ấy, gia đình chúng tôi phải gánh lấy hậu quả, chủ tàu thương thì cho tiền chôn cất. Nghề này cực mà bạc bẽo”.
Vấn đề đặt ra là cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý đối với lao động làm việc trên biển? Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang đều thừa nhận đây là câu hỏi còn bỏ ngỏ vì đặc thù của nghề đi biển là người lao động và người sử dụng lao động chỉ nói miệng với nhau mà không có chứng từ ràng buộc về mặt pháp lý. Không có gì ràng buộc, khi chủ tàu bị ngư phủ lừa mất tiền phải đành ngậm bồ hòn chịu đựng. Ngược lại, nếu xảy ra tai nạn trên biển thì người lao động chỉ còn biết trông vào lương tâm của chủ tàu.
Hiện tỉnh Kiên Giang đã thí điểm thành lập một nghiệp đoàn nghề cá tại P.An Hòa, TP Rạch Giá với 91 đoàn viên nhưng hiệu quả chưa thể đánh giá được vì những đoàn viên này đi biển chưa về.
>> Thiếu lao động có nghề Tàu khai thác thủy sản ở Cà Mau đứng thứ hai khu vực ĐBSCL, chỉ sau tỉnh Kiên Giang, nhưng theo thống kê sơ bộ của các ngành chức năng Cà Mau, trước năm 2010 số ngư phủ được đào tạo qua lớp thuyền viên chiếm chưa tới 2%. Thực hiện quyết định 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ năm 2010 đến nay tỉnh Cà Mau lồng ghép đào tạo nghề được trên 5.000 lao động tàu cá, chiếm gần 21% lao động trên tàu cá hiện có ở Cà Mau. Trong số đó có gần 1.775 ngư phủ được cấp chứng chỉ thuyền viên tàu cá, còn lại là chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng. Năm nay Cà Mau dự kiến có thêm 1.575 lao động nghề biển được đào tạo nghề và cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên. Trong đó, đào tạo cho 100% số thuyền viên đang làm việc thường xuyên trên các tàu cá có công suất từ 20 CV trở lên… Tại Kiên Giang, ông Trần Chí Viễn, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, cho biết mấy năm nay tỉnh đã giao Trường cao đẳng Nghề Kiên Giang đào tạo miễn phí trung cấp nghề khai thác hải sản mỗi năm 150 chỉ tiêu, nhưng chưa thực hiện được vì mấy lần chiêu sinh ứng viên đăng ký không đủ số lượng để mở lớp. |