Vùng biển Quảng Ninh có diện tích khoảng 10.600km2, có sự đa dạng cao về địa hình, chất đáy, có nhiều hệ sinh thái đặc trưng của vùng biển nhiệt đới, là điều kiện thuận lợi cho các giống loài thuỷ sản sinh trưởng và phát triển. Ngư trường Quảng Ninh – Hải Phòng được xác định là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước.
Toàn tỉnh có 160 tàu công suất trên 90CV hoạt động khai thác xa bờ với các nghề chủ lực như: Chài chụp kết hợp ánh sáng, nghề câu vàng, nghề rê dưa và một số nghề khác là nghề khai thác xa bờ mang tính chủ động cao, ngư trường hoạt động rộng, công cụ và phương tiện kỹ thuật khai thác hiện đại, trong những năm gần đây được ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến đã mang lại hiệu quả cao cho hoạt động khai thác xa bờ. Để hỗ trợ cho nghề khai thác xa bờ của tỉnh Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đã phối hợp với Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) thực hiện chuyển giao thành công 2 mô hình sản xuất trên tàu cá xa bờ.
Đó là, mô hình ứng dụng máy dò ngang (Sonar) trên tàu chài chụp kết hợp ánh sáng. Kết quả tổng sản lượng khai thác cao hơn 170% so với các tàu khác cùng nghề không được trang bị máy dò ngang trong điều kiện tương đương về công suất, ngư cụ và ngư trường hoạt động. Mô hình thứ hai là, ứng dụng công nghệ Polyurethane (PU) trong bảo quản sản phẩm trên tàu cá giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, kéo dài thời gian chuyến biển, giảm hao hụt nước đá. Hiện nay, một số công trình, dự án đang triển khai như: Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu tàu thuyền đánh bắt hải sản trên địa bàn tỉnh nhằm đưa công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động khai thác hải sản; tiếp nhận và chuyển giao công nghệ khai thác thuỷ sản có chọn lọc nhằm đưa những công nghệ tiên tiến có năng suất, sản lượng cao và thân thiện với môi trường áp dụng cho nghề khai thác thuỷ sản tại Quảng Ninh.
Tàu khai thác xa bờ của ngư dân Vân Đồn ra khơi
Từ năm 1998 trở lại đây cùng với chủ trương mở rộng vùng khai thác ra xa bờ, tỷ lệ lao động khai thác xa bờ tăng dần lên. Tuy nhiên, số lao động chuyển đổi từ khai thác gần bờ sang xa bờ ít kinh nghiệm đi biển, tỷ lệ được đào tạo nghề thấp, những người đảm nhiệm thuyền trưởng, máy trưởng cũng chỉ qua các lớp đào tạo ngắn hạn từ 1-2 tháng. Để nâng cao trình độ nghề nghiệp cho lực lượng này trong những năm qua bằng nhiều hình thức khác nhau, từ nguồn vốn của tỉnh và huy động từ các nguồn lực khác, toàn tỉnh đã đào tạo được 3.699 thuyền trưởng và 1.075 máy trưởng tàu cá. Việc đào tạo và cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về quản lý hoạt động sản xuất, hàng năm số lao động được đào tạo và cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng không ngừng được tăng lên.
Đồng chí Hà Vân Giang, Chi cục Phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho biết: Mặc dù đã rất nỗ lực trong hỗ trợ bà con ngư dân bám biển, nhất là trong nâng cao trình độ cho bà con nhưng số người được đào tạo máy trưởng còn thấp so với yêu cầu, số lượng công nhân kỹ thuật, chứng chỉ thuyền viên chưa được quan tâm đào tạo vì nhiều lý do khác nhau. Mặt khác do trình độ học vấn của người dân còn nhiều hạn chế nên việc đào tạo mới chỉ dừng lại ở mặt thủ tục hành chính, nhiều người dân học lấy chứng chỉ để đối phó với cơ quan chức năng khi hoạt động trên biển, số lao động có thể vận dụng những kiến thức được học áp dụng vào thực tiễn sản xuất là không nhiều. Hiện nay nghề khai thác thuỷ sản vẫn được tổ chức sản xuất chủ yếu theo hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ, hình thức tổ chức sản xuất độc lập là chính từ khâu cung ứng vật tư cho đến khai thác và tiêu thụ sản phẩm. Với kiểu tổ chức sản xuất hoàn toàn độc lập, nhỏ lẻ và manh mún chưa có sự liên kết giữa các tàu với nhau điều này đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất của các đội tàu. Vì các tàu mất nhiều thời gian, chi phí nhiêu liệu, nhân công cho quá trình đi lại từ ngư trường về bờ và ngược lại, bên cạnh đó, trình độ tổ chức quản lý trên các tàu còn bất cập, chưa tạo được sự gắn bó các thuỷ thủ với chủ tàu.
Để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển nâng cao hiệu quả nghề khai thác hải sản, ngành sẽ tiếp tục tham mưu tỉnh, các địa phương tổ chức sắp xếp lại khai thác hải sản cho các nhóm tàu cá cụ thể, tổ chức lại sản xuất bằng việc nhân rộng các mô hình khai thác tiêu biểu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật đánh bắt, bảo quản sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả cho người dân.