T2, 06/07/2020 01:40

Cần nhân rộng các thiết bị công nghệ đánh bắt, bảo quản thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Các trung tâm khuyến nông tỉnh, TP cần có giải pháp để triển khai nhân rộng các thiết bị công nghệ theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, phấn đấu 1 chủ tàu làm, 1.000 chủ tàu khác biết và 100 chủ tàu làm theo.

 Quang cảnh diễn đàn

Sáng 19/6, tại Quảng Ngãi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức diễn đàn khuyến nông “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác và bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác xa bờ”, với sự tham gia của đại các tỉnh, thành: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và hàng trăm ngư dân, nhà khoa học, doanh nghiệp.

Thạc sĩ Phạm Ngọc Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản) nhận định: “Năng suất khai thác ngày càng tăng nhưng chi phí cũng rất cao, tổn thất sau khai thác ngày càng lớn do hạn chế trong công nghệ bảo quản, ứng dụng khoa học công nghệ chưa đồng bộ, dịch chuyển lao động chất lượng cao ra khỏi ngành kỹ thuật, vốn đầu tư cho khoa học công nghệ cao”.

Thực tế, hiện nay hầu hết các tàu khai thác hải sản bảo quản sản phẩm đánh bắt bằng nước đá lạnh, nhiệt độ của cá thường dao động từ 0°-5°C, thời gian bảo quản không quá 10 ngày. Trong khi đó, ngư trường ven bờ ngày càng cạn kiệt, ngư dân phải mở rộng khai thác xa bờ làm thời gian chuyến biển bị kéo dài từ 45 – 60 ngày, dẫn đến trữ đá không đủ, làm giảm chất lượng của cá.

Phương pháp bảo quản vẫn dùng công nghệ đóng hầm bảo quản bằng vật liệu xốp trắng, cao su xốp là công nghệ cũ ngư dân đã ứng dụng từ lâu vì giá thành hạ, ngư dân có thể tự làm cho tàu mình, tuy nhiên, tổn thất nhiệt rất lớn, sản phẩm giữ lâu trên tàu không đảm bảo làm tổn thất chất lượng.

Hiện tại, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đưa vào sử dụng thiết bị cấp đông được sử dụng tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới, nhiều phương pháp khác như bảo quản bằng Ni-tơ lỏng, công nghệ làm đông tế bào sống, công nghệ sản xuất đá vẩy, nước biển lạnh, thiết bị xử lý, sơ chế sản phẩm.

Một số trang thiết bị hiện đại được ứng dụng để nâng cao sản lượng khai thác.

Ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thông tin thêm: “Trong những năm qua, Bộ NN&PTNT rất quan tâm xây dựng mô hình. Hiện nay Trung tâm đang triển khai dùng hầm PU, tăng chất lượng bảo quản, ứng dụng các thiết bị hiện đại để nâng cao khai thác hiệu quả”.

Do vậy, các trung tâm khuyến nông tỉnh, TP cần có giải pháp để triển khai nhân rộng các thiết bị công nghệ theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, phấn đấu 1 chủ tàu làm, 1.000 chủ tàu khác biết và 100 chủ tàu làm theo.

Hiện nay, nhiều thiết bị nâng cao năng suất khai thác giảm thiểu chi phí nhiên liệu như ứng dụng đèn LED cho tàu lưới vây kết hợp ánh sáng, ứng dụng rạn nhân tạo nhằm phục hồi và bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ, máy dò đứng kỹ thuật số…

Được biết, thời gian qua, khai thác hải sản đang ngày càng được Chính phủ quan tâm và đã có những bước phát triển vượt bậc. Từ đội tàu thủ công lạc hậu, đến nay cả nước đã có trên 31.500 tàu cá xa bờ (tàu có chiều dài 15m trở lên). Tuy nhiên, nhìn chung lĩnh vực khai thác hải sản vẫn còn sử dụng lao động trực tiếp, tổn thất sau thu hoạch từ 20 – 30%. Trong khi đó, diện tích vùng biển xa bờ khoảng trên 700.000km2, chiếm khoảng trên 70% diện tích ven biển, như vậy, mật độ khai thác hải sản xa bờ rất thấp so với vùng ven bờ.

Nghiêm Hà

Theo KTDT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!