Trên chặng đường 30 năm phát triển, ngành thủy sản Quảng Bình đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong chế biến, khai thác và nuôi trồng thủy sản. Cơ cấu sản phẩm của ngành cũng đã được thay đổi mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng đánh bắt, nuôi trồng với các sản phẩm có giá trị kinh tế cao phục vụ cho xuất khẩu…, qua đó, góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương…
Năm 2019, những con tàu vươn khơi cho sản lượng khai thác đạt 65.360 tấn. Ảnh: M.Q
“Thăng trầm” nghề chế biến…
Ông Nguyễn Đức Minh, nguyên Phó Giám đốc Xí nghiệp đông lạnh xuất khẩu thủy sản Đồng Hới chia sẻ: “Thời kỳ nửa đầu những năm 1990, ngành chế biến thủy sản tỉnh Quảng Bình bước vào giai đoạn “hoàng kim” với nhiều tên tuổi “làm mưa, làm gió” về xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến.
Những cái tên, như: Nhà máy đông lạnh xuất khẩu thủy sản Sông Gianh, Xí nghiệp thủy sản Sông Gianh, Xí nghiệp đông lạnh xuất khẩu thủy sản Đồng Hới, Nhà máy chế biến nông, thủy sản Phú Hải…, đã chinh phục các thị trường lớn, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan và các nước châu Âu. Có thể kể tên các sản phẩm chủ lực, như: tôm hùm, tôm sú biển, cá, mực…
Thế nhưng, một thời gian sau đó, ngành chế biến thủy sản Quảng Bình đã “lao đao” bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Đặc biệt, do sự cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường, nguồn khách hàng đầu ra tại các thị trường Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan và một số nước châu Âu gần như không còn nữa khiến các doanh nghiệp chế biến thủy sản phải cắt giảm công suất chế biến, giảm nhân lực… để vượt qua khó khăn.
Cũng trong thời kỳ này, một số doanh nghiệp, như: Xí nghiệp đông lạnh xuất khẩu thủy sản Đồng Hới sáp nhập với Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Bình (nay chuyển đổi thành Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Bình); các doanh nghiệp khác hoạt động cầm chừng hoặc giải thể.
Vượt qua “sóng gió”, lĩnh vực chế biến thủy sản cũng đã có bước chuyển mình và “tái cơ cấu” mạnh mẽ để ổn định sản xuất… Tuy không còn thời “hoàng kim” nhưng hiện tại tỉnh Quảng Bình vẫn còn một số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu hoạt động hiệu quả là Công ty Cổ phần Năm Sao (đổi tên từ Nhà máy đông lạnh xuất khẩu thủy sản Sông Gianh), Xí nghiệp thủy sản Sông Gianh (chủ yếu sản xuất gia công một số mặt hàng thủy sản và xuất khẩu ủy thác qua đơn vị khác), Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Bình Surimi chuyên sản xuất chả cá đông lạnh cung cấp cho thị trường Hàn Quốc…
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm cơ sở chế biến các sản phẩm truyền thống, như: nước mắm, mắm ruốc, cá khô, mực khô…, với thị trường tiêu thụ rộng khắp trong cả nước.
Theo ông Nguyễn Đức Minh, thế mạnh của tỉnh là các sản phẩm thủy sản chế biến theo phương pháp truyền thống mà không phải quốc gia nào cũng có. Đặc biệt, nhiều cơ sở chế biến đã đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, thậm chí xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu, thương hiệu. Đây là nền tảng để có thể giới thiệu và xuất khẩu các sản phẩm thủy sản truyền thống ra thị trường thế giới, góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm thủy sản của Quảng Bình.
Đột phá nghề khai thác và nuôi trồng
Trên cơ sở tiềm năng và lợi thế, trong 30 năm qua, Quảng Bình đã quan tâm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp về đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các khâu nuôi trồng, đánh bắt và dịch vụ thủy sản. Nhờ đó, giá trị sản xuất của ngành thủy sản đạt bình quân 8,4%/năm; sản lượng thủy sản từ 8.650 tấn năm 1990 đã tăng lên gần 82.500 tấn vào năm 2019, đạt tốc độ tăng bình quân 8,1%/năm.
Theo ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản đều tăng trưởng khá về giá trị cũng như sản lượng sản xuất, trong đó lĩnh vực nuôi trồng tăng trưởng nhanh hơn khai khác. Cụ thể, giá trị nuôi trồng bình quân hàng năm tăng 30,4%, mức tăng trưởng về sản lượng nuôi trồng thủy sản bình quân hàng năm đạt 27,3%; giá trị khai thác bình quân hàng năm tăng 7,2%, mức tăng trưởng về sản lượng khai thác bình quân mỗi năm tăng 7,5%.
Hiện tại, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt gần 6.700ha, mức tăng bình quân đạt 13,5%/năm, riêng nuôi nước lợ tăng bình quân 12,2%/năm. Nhờ tăng diện tích và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào nuôi trồng nên sản lượng tăng nhanh, năm 1990, sản lượng nuôi trồng chỉ đạt 11,5 tấn thì đến năm 2019, đã đạt 12.700 tấn, tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 27,3%.
Các địa phương trong tỉnh cũng đã tập trung phát huy lợi thế về ngư trường nên lĩnh vực khai thác thủy sản có bước phát triển vượt bậc, phương tiện khai thác không ngừng tăng về quy mô và chất lượng đã đáp ứng yêu cầu cho việc vươn khơi xa bờ. Theo đó, năm 1990, số tàu, thuyền cơ giới của tỉnh chỉ có trên 1.300 chiếc với đa số là tàu công suất nhỏ đánh bắt ven bờ; đến năm 2019, toàn tỉnh đã có gần 5.550 tàu, thuyền cơ giới, trong đó, tàu thuyền công suất lớn, hoạt động khai thác xa bờ chiếm đa số.
Đặc biệt, từ khoảng những năm 2010 trở lại đây, nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân tỉnh ta đã chú trọng việc đóng mới, cải hoán tàu thuyền có công suất lớn từ 500CV đến trên 1.000CV.
Cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, sản xuất thủy sản tỉnh Quảng Bình đã tạo nên một diện mạo mới và đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn, tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục thực hiện chặng đường phía trước.
Theo ông Lê Văn Lợi, thời gian tới, Quảng Bình tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định và bền vững, coi thủy sản là mặt trận quan trọng nhằm tạo sự ổn định cần thiết trong đời sống xã hội; quy hoạch, phân vùng sản xuất cụ thể về nuôi trồng thủy sản; phát triển thủy sản bền vững trên tất cả các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến, xuất khẩu… gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản; xây dựng vùng nuôi an toàn, khuyến khích phát triển mô hình nuôi thâm canh… phù hợp với điều kiện từng vùng; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng và khai thác thị trường trong và ngoài nước, tạo điều kiện giải quyết tốt khâu tiêu thụ hàng hóa…
Hiền Phương
Theo Báo Quảng Bình