Việt Nam hiện là nhà cung cấp bạch tuộc lớn thứ ba tại thị trường Hàn Quốc, sau Trung Quốc và Peru. Nhu cầu cao, thuế quan tốt từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA) hứa hẹn sự tăng trưởng hơn nữa mực, bạch tuộc Việt Nam tại Hàn Quốc.
Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam
Nhu cầu còn lớn
Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong quý I/2019, Hàn Quốc nhập khẩu mực và bạch tuộc từ 8 nguồn cung khác nhau, trong đó Trung Quốc chiếm 57,4% thị phần, Peru với 26,8% và Việt Nam đứng thứ 3 với 11,6% thị phần.
Anh Sungho, một doanh nhân Hàn Quốc cho biết: “Người Hàn Quốc rất thích ăn bạch tuộc, nhất là món bạch tuộc sống. Năm nào cũng có người chết vì ăn bạch tuộc sống nhưng mọi người vẫn lao vào ăn”. Bạch tuộc sống – sannakji là món ăn rất phổ biến, thực khách ăn bạch tuộc khi các xúc tu vẫn còn động đậy. Họ thích cảm giác mạnh và sự tươi ngon. Song về cơ bản, các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định, bạch tuộc có khả năng bồi bổ sức khỏe, ngăn ngừa ung thư, phát triển trí thông minh, tăng cường sức đề kháng, tăng sinh lực của thận, ít chất béo nên không sợ béo phì.
Theo VASEP, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 43,4% tổng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Đồng thời, nhập khẩu bạch tuộc chiếm chiếm 77,6% trong tổng các sản phẩm mực, bạch tuộc của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc. Hiện, Việt Nam tích cực xuất khẩu bạch tuộc khô/muối/tươi/đông lạnh, cùng với đó là mực khô/nướng. Sản phẩm mực tươi/đông lạnh cũng được chú trọng xuất khẩu.
Theo VASEP, nhập khẩu mực, bạch tuộc của Hàn Quốc những năm gần đây có xu hướng tăng do nhu cầu đối với nguồn thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe tăng. Nhu cầu tiêu thụ hải sản tại Hàn Quốc ngày càng tăng trong khi đánh bắt tăng không đáng kể. Hàn Quốc đưa ra lộ trình tăng sản lượng khai thác thủy hải sản hàng năm từ 790 nghìn tấn lên 900 nghìn tấn vào năm 2023. Tuy nhiên, một chuyên gia của Hàn Quốc chia sẻ: “Giá thuê nhân công cao, ngư trường thu hẹp và lợi nhuận giảm khiến cho ngành đánh bắt của Hàn Quốc rất khó tăng trưởng trong thời gian tới”. Thống kê cũng cho thấy, Hàn Quốc hiện chỉ còn duy trì đội tàu đánh bắt hiện đại khoảng hơn 200 chiếc.
Tận dụng cơ hội
Hàn Quốc đang cố gắng giảm sự lệ thuộc vào nhập khẩu mực và bạch tuộc, nhất là từ Trung Quốc, bằng một kế hoạch nuôi ngoài biển khơi, song chắc chắn nguồn cung không đủ thay thể nhập khẩu.
Hiện nay, Việt Nam đang hưởng mức thuế xuất khẩu sang Hàn Quốc là 0% đối với các sản phẩm bạch tuộc tươi, bạch tuộc sống và đông lạnh. Các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế lớn khi thâm nhập thị trường này. Ngoài ra, người dân Hàn Quốc cũng đánh giá cao các sản phẩm mực và bạch tuộc của Việt Nam là có chất lượng, sự an toàn và độ ngon hơn sản phẩm từ các nước khác.
Thống kê cho thấy, trong tổng cơ cấu mực, bạch tuộc xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, mực chiếm 51,5%, bạch tuộc chiếm 48,5%. Xuất khẩu các sản phẩm mực, bạch tuộc sống/tươi/đông lạnh (chiếm tỷ trọng 67%), các sản phẩm chế biến chiếm 33%.
Anh Min Ho một chuyên gia xuất nhập khẩu nông thủy sản Hàn Quốc thông tin: “Vấn đề đối với các nhà xuất khẩu từ Việt Nam là cần đảm bảo sự đồng đều chất lượng các lô hàng để chiếm cảm tình của khách hàng Hàn Quốc. Ngoài ra, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tại Hàn Quốc để người tiêu dùng hiểu hơn, yêu thích hơn sản phẩm mực và bạch tuộc Việt Nam”.
>> Năm 2018, xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc tăng 23,7% đạt 269,8 triệu USD. Năm 2019, dự kiến xuất khẩu mặt hàng này sẽ tăng trưởng mạnh, đặc biệt trong bối cảnh nguyên liệu chế biến xuất khẩu tại Trung Quốc cũng khan hiếm và giá tăng. |
Nguyễn Anh