Theo nhiều đánh giá, Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại cho thủy sản Việt Nam nhiều cơ hội lớn, thế nhưng, đây không phải hoàn toàn là màu hồng, bởi có rất nhiều thách thức đặt ra mà Việt Nam cần phải vượt qua.
Xuất khẩu thủy sản gặp không ít khó khăn thách thức
Nhiều tác động
Thủy sản được dự báo sẽ là một trong các ngành hàng chính chịu tác động trực tiếp của Hiệp định EVFTA và CPTPP; vì vậy mà không phải ngẫu nhiên mà những quy định về xuất nhập khẩu thủy sản lại chiếm số trang dài nhất trong hiệp định EVFTA.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho rằng: “Bên cạnh các cơ hội lớn cho xuất khẩu thủy sản cũng sẽ gặp không ít khó khăn thách thức và cam kết mà các doanh nghiệp cần tuân thủ như chính sách thuế quan, các cam kết về TBT, SPS, lao động, môi trường, phát triển bền vững, xuất xứ…
Còn TS Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng Ban Pháp chế, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI) đánh giá, CPTPP và EVFTA tạo ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu qua đó giúp ngành nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản Việt Nam nâng cao năng lực quản trị, chất lượng để phát triển bền vững. So với các ngành hàng khác, thủy sản được xem là ngành “nhạy cảm” và các đối tác có phần e dè hơn trong việc cam kết mở cửa nhưng trong CPTPP, các đối tác đã cam kết xóa bỏ ngay hoặc xóa bỏ trong vòng 2 – 3 năm với hầu hết sản phẩm thủy sản sơ chế của Việt Nam, bao gồm cá tra, cá ngừ, tôm, thịt cua và nhuyễn thể. Các sản phẩm thủy sản chế biến cũng được xóa bỏ thuế theo lộ trình 5 – 10 năm. Đáng chú ý, Canada đã xóa bỏ 100% các dòng thuế đối với thủy sản Việt Nam ngay khi CPTPP có hiệu lực, Mexico cam kết xóa bỏ thuế đối với cá tra Việt Nam sau 2 năm, sau 3 – 5 năm xóa bỏ 60% số dòng thuế… Ngoài ra, Nhật Bản cũng cắt giảm thuế sâu hơn cho thủy sản Việt Nam so với Hiệp định thương mại tự do song phương đã được thực thi trước đó.
CPTPP và EVFTA là hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và toàn diện hơn so với những FTA mà Việt Nam đã tham gia trước đó; việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan cũng sâu hơn và áp dụng cho tất cả các ngành hàng, kể cả nhóm hàng khó đàm phán như thủy sản. Hiện tại, Việt Nam trung bình chi khoảng 1 – 1,5 tỷ USD để nhập khẩu thủy sản mỗi năm, với mức thuế nhập khẩu trung bình là 9 – 17%. Vì vậy, tham gia CPTPP sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm bớt chi phí trong nhập khẩu.
Vượt thách thức
Thủy sản là lĩnh vực mà Việt Nam đang rất thành công trên trường quốc tế; vì vậy sẽ không có chuyện mở cửa ồ ạt cho sản phẩm Việt Nam xâm nhập vào các nước, do các nước đều bảo hộ ngành thủy sản của họ. TS Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, việc thực thi CPTPP không đem lại phép màu cho ngành thủy sản, vì ngoại trừ 3 thị trường Canada, Mexico và Peru thì các thị trường còn lại Việt Nam đều đã có FTA chung từ trước. Riêng với EVFTA, Việt Nam tiếp cận thị trường với 28 quốc gia châu Âu chưa từng có FTA, tuy vậy có tới 50% số dòng thuế của thủy sản phải cắt giảm thuế theo lộ trình 3 – 7 năm. Cùng đó, “với mức cam kết cắt giảm thuế như trên, EVFTA vẫn chưa mang lại lợi thế thuế quan ngay cho các doanh nghiệp bởi hiện tại hầu hết sản phẩm thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào EU đang được hưởng thế suất ưu đãi đơn phương (GSP) từ 0 – 4% mà EU dành cho một số ngành hàng được đánh giá là chưa trưởng thành”, TS Trang nhận định.
Mặt khác, tất cả ưu đãi về thuế quan chỉ được áp dụng khi sản phẩm được chứng minh là nuôi trồng và chế biến xuất khẩu từ Việt Nam. Như vậy, đối với các sản phẩm nhập nguyên liệu từ Ấn Độ, Thái Lan về chế biến xuất khẩu… sẽ không được áp dụng việc cắt giảm thuế này.
Ông Trương Đình Hòe cũng cho rằng: “Thách thức lớn nhất là việc truy xuất nguồn gốc phải minh bạch để được miễn giảm thuế, ngoài ra việc tổ chức sản xuất bảo đảm quyền lợi cho công nhân, nông dân phải được tuân thủ”. Do ngành thủy sản Việt Nam còn làm theo mùa vụ nên việc ký hết hợp đồng, bảo hiểm, đào tạo, thậm chí kể cả độ tuổi lao động cũng nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu của EVFTA. Về căn bản, EVFTA chống lại việc bóc lột cùng cực sức lao động của người dân, chống lại kiểu sử dụng lao động như nô lệ và sử dụng lao động vị thành niên.
EU là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ, chiếm 17 – 18% trong cơ cấu xuất khẩu của ngành. Các chuyên gia cho biết, trong những năm đầu của lộ trình, hàng thủy sản của Việt Nam có thể gặp bất lợi vì chịu thuế cao hơn thuế GSP mà EU đang ưu đãi cho hàng Việt Nam hiện nay, nhưng về dài hạn thì sẽ hưởng lợi, đặc biệt là khi thuế về 0%. Trong bối cảnh thuế suất chưa được ưu đãi nhiều, nhưng các quy chuẩn về sản xuất, chế biến, xuất khẩu lại được siết chặt hơn, sẽ là thử thách không nhỏ đối với ngành thủy sản Việt Nam trong giai đoạn mới.
Việc ký kết hiệp định thương mại tư do với châu Âu là bước tiến lịch sử và có phần dũng cảm của Việt Nam, khi mà Thái Lan cũng là cường quốc xuất khẩu nhưng chưa ký hiệp định thương mại tự do với EU. Theo đó, các hàng hóa thủy sản từ EU cũng sẽ dễ dàng thâm nhập vào thị trường Việt Nam và việc kiểm soát hàng hóa xuất khẩu sang EU cũng sẽ nghiêm ngặt hơn trước kia. Tuy vậy, một đại diện của Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng, việc toàn cầu hóa là xu thế tất yêu và việc xâm nhập được vào thị trường khó tính như EU sẽ giúp hàng thủy sản Việt Nam lan tỏa khắp thế giới.
>> Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: Để hội nhập tốt, chúng ta cần phát triển ngành thủy sản trong nước, nắm giữ tốt thị phần thủy sản trong nước, đồng thời phát triển ngành thủy sản Việt Nam lên tầm cao mới để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các thị trường. |
Nguyễn Anh