Từ đầu tháng 7 đến nay, tại một số vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã xuất hiện cá chết, gây thiệt đáng kể về kinh tế cho các hộ gia đình. Mặc dù người dân đã sử dụng thuốc để trị bệnh cho cá kết hợp tiêu độc khử trùng nguồn nước nhưng dịch bệnh chưa thể khống chế, nguy cơ lây lan rất cao.
Những ngày cuối tháng 8, tại vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở thôn Tĩnh Lộc, xã Nghĩa Trung (Việt Yên), cá trong nhiều ao chết nổi lềnh bềnh đang phân hủy bốc mùi hôi thối nồng nặc. Qua trao đổi với ông Nguyễn Văn Quyết, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy sản Tĩnh Lộc và ông Hoàng Văn Tịnh, trưởng thôn được biết, thôn hiện có hơn 100 hộ dân nuôi cá thịt và cá giống với tổng diện tích khoảng 40 ha mặt nước. Loài cá được nuôi thả chủ yếu là rô phi đơn tính. Hằng năm, nếu chăn nuôi “thuận buồm, xuôi gió”, toàn thôn thu khoảng 400 tấn cá thương phẩm và cá giống, trị giá hàng chục tỷ đồng. Nhiều hộ có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, ba năm gần đây, trong thôn liên tiếp có cá chết gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho các hộ dân.
Đặc biệt, từ tháng 7 đến nay cá rô phi đơn tính chết khắp các ao, hộ ít mất vài chục cân, nhiều lên đến hàng tấn như gia đình ông: Tô Văn Hạnh, Vũ Văn Anh, Nguyễn Thị Hiệp, Nguyễn Thị Bẩy… mỗi hộ chết 4 – 5 tạ cá thịt. Gia đình ông Tô Văn Hoan chết 1 tấn cá giống, hộ ông Vũ Văn Trí chết hơn 6 nghìn con cá giống. Ông Nguyễn Văn Quyết, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy sản thôn Tĩnh Lộc lo lắng nói: “Hai tháng qua, toàn thôn bị chết khoảng 20 tấn cá thịt và cá giống, thiệt hại hàng tỷ đồng. Đến nay, bệnh trên cá vẫn chưa thể khống chế được”. Theo người dân trong thôn phản ánh, cá trước khi chết có triệu chứng như: mắt lồi và đục, bơi lội không định hướng, xuất huyết ở các gốc tia vây.
Tình trạng này còn xảy ra ở một số xã nuôi cá tập trung như: Minh Đức (Việt Yên), Ngọc Châu, Song Vân, Quang Tiến (Tân Yên), Thanh Lâm, Bảo Đài (Lục Nam), Song Mai (TP Bắc Giang)… Loại cá bị bệnh chủ yếu là cá rô phi đơn tính thương phẩm và cá giống.
Cá chết do dịch bệnh tại thôn Tĩnh Lộc, xã Nghĩa Trung (Việt Yên).
Được biết, ngay sau khi phát hiện cá chết, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với Trung tâm Quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh (Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I) lấy mẫu để xét nghiệm. Kết quả có khoảng 70% mẫu cá có vi khuẩn Streptococus sp ở gan, thận, não.
Theo ông Đoàn Bá Thiêm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thì vi khuẩn Streptococus sp gây ra bệnh liên cầu khuẩn ở cá, là tác nhân chính làm cá chết. Ngoài ra, thông số ô xi hòa tan trong nước thấp hơn ngưỡng phù hợp cho cá sinh sống là 6/20 mẫu. Một số mẫu có độ pH, NH3, NH4+ cao hơn tiêu chuẩn. Tại thôn Tĩnh Lộc cả 6/6 mẫu nước xét nghiệm đều có tảo lam độc hại. Theo các nhà khoa học, loại tảo này làm suy giảm chất lượng nước ao, ban đêm, tảo hút ô xi để hô hấp nhả khí các-bon-nic gây độc cho cá. Tại xã Ngọc Châu, Song Vân, Ngọc Thiện (Tân Yên) lượng ô xi hoà tan trong nước ao của một số hộ dân chỉ bằng gần 1/3 so với tiêu chuẩn cho phép.
Ngoài những nguyên nhân trên, thời gian qua, nắng nóng kéo dài, nhiều ngày liên tiếp nhiệt độ trên 30 độ C kết hợp với mưa đột ngột làm cá giảm sức đề kháng. Người dân nuôi cá thâm canh với mật độ dày, lượng chất thải, thức ăn dư thừa trong ao khá cao trong khi việc xử lý nguồn nước bằng vôi bột hay chế phẩm, phòng trừ dịch bệnh chưa được chủ động làm cá dễ mắc bệnh.
Tìm hiểu được biết, nhiều hộ nuôi cá ở thôn Tĩnh Lộc, xã Nghĩa Trung (Việt Yên) và một số xã ở như: Ngọc Châu, Ngọc Thiện (Tân Yên) đã sử dụng phân lợn chưa qua xử lý bằng vôi bột thải trực tiếp xuống ao làm cho nước ao bị ô nhiễm.
Đáng lo ngại, qua khảo sát thực địa, một trong những tác nhân làm cho dịch bệnh lây lan nhanh là do các ao cá liền kề nhau trong khi đa số người dân lấy nước vào ao và tháo nước ra đều chưa sử dụng hóa chất diệt mầm bệnh. Trong thôn có một số hộ vớt cá chết thối đóng vào bao quăng xuống mương máng làm mầm bệnh lây lan, gây ô nhiễm môi trường. Lượng cá giống tại các ao bị bệnh vẫn được vận chuyển đi khắp các địa phương để phục vụ nhu cầu nuôi thả do vậy khả năng dịch bệnh lây lan rất cao.
Để giúp người phòng và chữa bệnh cho cá, Chi cục Thủy sản khuyến cáo các hộ dân dân duy trì mức nước tối thiểu trong ao 1,2 m, tăng cường bơm và phun nước về đêm và sáng nhằm cung cấp đủ lượng ô xi hòa tan. Thay 1/4 – 1/3 nước ao khi có nguồn nước bảo đảm. Định kỳ bổ sung vitamin tổng hợp (Bcomplex và vitamin C) kết hợp khử trùng nước bằng viên sủi TCCA 20 – 30 ngày/lần, liều lượng 1 kg/1.500 – 2.000 m3 nước/lần và sử dụng 2 – 3 kg/100 m3 nước vôi hòa tan và té đều mặt ao.
Khi cá bị bệnh sử dụng thuốc kháng sinh Doxycylin liều lượng 30 g/100 kg cá hoặc Erythromycin 5 – 6 g/100 kg trộn vào cám thả xuống ao cho cá ăn liên tục trong 7 ngày kết hợp khử trùng nguồn nước; bổ sung khoáng chất, không để thức ăn thừa, vớt bỏ cá chết đem chôn, khử trùng bằng vôi bột để bảo đảm vệ sinh.
Thực tế tại thôn Tĩnh Lộc, nhiều hộ dân phản ánh đã sử dụng thuốc kháng sinh điều trị cho cá theo hướng dẫn nhưng sau khi dừng thuốc cá lại tiếp tục chết. Được biết, việc điều trị bệnh cho cá rất khó khăn vì phải thả thuốc xuống ao cho cá ăn nên dễ bị hòa tan. Hơn nữa, nhiều hộ chưa mua đúng thuốc kháng sinh theo khuyến cáo để chữa bệnh cho cá, đồng thời chưa kết hợp áp dụng triệt để các biện pháp khử trùng nguồn nước để diệt mầm bệnh nên cá rất dễ bị nhiễm bệnh trở lại. Ông Nguyễn Quang Ninh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản phản ánh: “Chi cục Thú y được giao chức năng quản lý, giám sát dịch bệnh trên thủy sản. Thế nhưng hiện đơn vị không có cán bộ chuyên ngành thủy sản do vậy dù biết có dịch bệnh nhưng đơn vị không thể chủ động hướng dẫn các biện pháp điều trị”.
Cá là một trong 3 con được đưa vào Chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011 – 2015. Hằng năm, nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh mang lại nguồn thu vài trăm tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn. Vì vậy, trước tình hình dịch bệnh liên cầu khuẩn trên cá rô phi đơn tính vẫn tiếp diễn như hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cần khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chuyên môn như: Chi cục Thú y và Chi Thủy sản phối hợp với các cơ quan trung ương tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm để đưa ra phác đồ điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả. Đồng thời cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống từng thôn để giám sát, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc kháng sinh phù hợp, bảo đảm liều lượng và sử dụng hóa chất, vôi bột khử trùng nguồn nước; vớt cá chết để xử lý, chôn lấp hợp vệ sinh.
Để phòng các bệnh nhiễm khuẩn và phòng mầm bệnh lây lan cho cá, người dân tuyệt đối không đổ cá chết ra kênh mương cũng như không đổ trực tiếp phân súc vật chưa qua xử lý mà phải ủ với 1% – 2% vôi bột trong 5 – 7 ngày trước khi thả xuống ao nuôi.
Đặc biệt, cán bộ thủy sản các huyện có dịch bệnh cần tăng cường hướng dẫn người dân biện pháp điều trị kịp thời