Thời gian qua, tôm hùm bị thương lái ép giá tại nhiều địa phương, nguyên nhân được cho là tôm bị bệnh nên thương lái chê, nhưng sâu xa hơn nguyên nhân ấy lại bắt đầu từ khâu quy hoạch.
Thiếu quy hoạch chi tiết
Hiện nay, nhiều địa phương nuôi tôm hùm ở nước ta đã có quy hoạch tổng thể, nhưng chưa có quy hoạch chi tiết vùng nuôi do việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sự phát triển tự phát nghề nuôi tôm hùm cũng dẫn đến hiện tượng phá vỡ quy hoạch.
Cụ thể, tại tỉnh Phú Yên, theo quy hoạch vùng nuôi tôm hùm tại thị xã Sông Cầu đến năm 2020 là 17.960 lồng nhưng hiện tại đã có hơn 22.000 lồng; huyện Tuy An (Phú Yên) quy hoạch vùng nuôi ở khu vực Lao Mái Nhà chỉ 140 lồng nhưng hiện tại là 1.176 lồng, gấp hơn 80 lần so với quy định…
Nuôi tôm hùm ở Phú Yên – Ảnh: Phạm Ngọc Chung
Không chỉ tăng về số lượng lồng nuôi mà người nuôi còn không tuân thủ về quy hoạch đối tượng nuôi như thả với mật độ quá cao, mỗi lồng có thể tích 27m3 chỉ được nuôi 27 con (tương đương khoảng 1 con/m3) nhưng có những lồng nuôi thả đến 50 – 70 con, thậm chí là 100 con/lồng. Số lồng nuôi lớn, nuôi với mật độ dày, sử dụng thức ăn tươi sống là những nguyên nhân làm cho môi trường ô nhiễm và phát sinh dịch bệnh cho tôm. Đây cũng là bức tranh chung của nghề nuôi tôm hùm tại nhiều địa phương trong cả nước.
Muộn còn hơn không
Những năm gần đây, số lượng lồng nuôi tôm hùm tại khu vực biển Bình Sơn (Ninh Chữ, Ninh Thuận) tăng lên một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, việc phát triển tự phát nghề nuôi tôm hùm đã ảnh hưởng đến cảnh quan du lịch, môi trường biển tại khu vực bãi tắm.
Để đảm bảo cho việc phát triển du lịch, bảo vệ môi trường, địa phương đã thành lập tổ công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện tháo dỡ, di dời lồng nuôi tôm hùm tại khu vực biển Bình Sơn. Tuy nhiên, rất khó triển khai do nhiều hộ không chịu di dời đến khu quy hoạch với lý do tôm đang độ lớn, vùng nuôi mới không thích hợp… Ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Ninh Thuận cho biết: Một khó khăn nữa là trước đây người dân nuôi tôm gần bờ việc đầu tư thấp, nay di chuyển ra xa phải đầu tư lồng bè, phương tiện đi lại lớn hơn, nhiều hộ không đủ kinh phí. Vì vậy, giải pháp của địa phương hiện nay là chờ người dân thu hoạch hết tôm và ra hạn cuối cùng đến cuối tháng 9 sẽ tiến hành di dời đến vùng nuôi mới.
Mới đây, Sở NN&PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các huyện Đông Hòa, Tuy An, thị xã Sông Cầu chỉ đạo các cơ quan đơn vị triển khai xây dựng một số biện pháp quản lý nuôi tôm hùm tại địa phương như kiểm soát thực hiện đăng ký cơ sở nuôi, đánh số lồng bè, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường… rà soát để xây dựng quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm hùm dựa trên cơ sở quy hoạch nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2001 – 2010 và định hướng đến năm 2020.
>> Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, Bộ đã có quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng nhưng các địa phương chưa có quy hoạch chi tiết tiểu vùng nuôi tôm tùm, người nuôi không tự kiểm soát vệ sinh môi trường và thực hiện quy định về mật độ nuôi. Sau 1-2 năm người di chuyển lồng đến địa điểm mới, nhưng lồng tới đâu ô nhiễm môi trường đến đó, dịch bệnh xảy ra là tất yếu. |