T2, 06/07/2020 01:46

Gio Linh tập trung phát triển vùng biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhằm tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để từng bước phát triển vùng biển, HĐND huyện Gio Linh ban hành Nghị quyết số 42/2016/NQ – HĐND, ngày 30/12/2016 về thông qua Chương trình phát triển vùng biển huyện Gio Linh giai đoạn 2016-2020. Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2016/NQ – HĐND, đến nay vùng biển huyện Gio Linh đã có những đổi thay đáng kể.

Ngư dân thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh trở về từ biển khơi​

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 42/2016/NQ – HĐND, thời gian qua huyện Gio Linh đã đẩy mạnh phát triển khai thác, đánh bắt xa bờ gắn với nâng cấp, cải hoán tàu thuyền, trang thiết bị, ngư lưới cụ; phát triển các mô hình dịch vụ trên biển; khuyến khích, hỗ trợ ngư dân từng bước chuyển đổi các loại hình ngành nghề đánh bắt thủy sản tầng đáy như lồng bẫy, lưới rê đáy sang các nghề khai thác ở vùng biển xa như rê khơi, lưới vây, chụp mực, câu vàng (đặc biệt là khai thác nguồn lợi cá nổi từ đại dương như cá thu, ngừ, nục, mực ống); hỗ trợ xây dựng các mô hình khai thác thủy sản như lưới rê cá chuồn…

Trong nuôi trồng thủy sản, huyện tiếp tục duy trì diện tích nuôi thủy sản ven biển; chú trọng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát và các loại cá nước lợ; nâng cao hiệu quả nuôi tôm tại các vùng cửa sông và nuôi tôm theo quy trình 2 giai đoạn, nuôi tôm theo công nghệ Enzim đảm bảo an toàn dịch bệnh; nâng cấp và đầu tư hạ tầng phục vụ vùng nuôi trồng thủy sản. Đến nay, toàn huyện Gio Linh có 886 tàu, thuyền với tổng công suất 78.914 CV, trong đó có 171 tàu đánh bắt xa bờ. Sản lượng khai thác thủy sản năm 2018 đạt 13.650 tấn. Trong 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy hải sản ước đạt 7.997 tấn (đạt 53,32% kế hoạch). Bên cạnh đó, huyện cũng đã chú trọng việc phát triển công nghiệp, TTCN vùng biển. Hiện tại, toàn huyện có 124 cơ sở chế biến thủy hải sản; 35 cơ sở chế biến nước mắm; 1 cơ sở chế biến sứa… Nhiều sản phẩm được đóng nhãn mác, bán ra rộng rãi trên thị trường, hướng đến xây dựng thương hiệu tập thể cho các sản phẩm thủy hải sản có lợi thế của địa phương. Huyện Gio Linh luôn quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản; hình thành các kênh phân phối trực tiếp sản phẩm đến người tiêu dùng tại thị trường trong tỉnh, trong nước…

Đối với vùng cát ven biển, huyện đã tập trung đầu tư phát triển nông- lâm nghiệp với việc xây dựng nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như các mô hình trồng dứa, trồng dưa lưới công nghệ cao, nuôi gà liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm với số lượng 5.000 – 8.000 con/lứa (mỗi năm nuôi từ 3 – 4 lứa), nuôi tôm thâm canh trên cát tại xã Trung Giang, nuôi xen ghép tôm – cua – cá tại xã Trung Giang, Trung Hải, Gio Mai, nuôi cá lồng bè nước mặn, lợ trên sông tại thị trấn Cửa Việt; nuôi chim yến ở thị trấn Cửa Việt, xã Gio Việt… Ngoài ra, huyện Gio Linh luôn xác định dịch vụ du lịch biển là một trong những lợi thế để phát triển vùng biển. Vì vậy, nhiều chương trình, kế hoạch khai thác tiềm năng du lịch biển của huyện được triển khai; quy hoạch, xây dựng bãi tắm cộng đồng xã Trung Giang, Gio Hải và đang được đầu tư nguồn vốn để triển khai thực hiện; hoạt động dịch vụ tắm biển, nghỉ dưỡng ở các xã Gio Hải, Trung Giang, thị trấn Cửa Việt được đầu tư, khai thác hợp lí, ngày càng phát huy hiệu quả, thu hút đông đảo du khách…

Định hướng trong thời gian tới, huyện Gio Linh tập trung triển khai quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp toàn vùng cát gắn với việc hình thành các vùng sản xuất tập trung để phát triển sinh kế bến vững cho người dân vùng biển; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại – dịch vụ, các trang trại, gia trại; chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản theo hướng ưu tiên phát triển khai thác thủy sản với việc tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích ngư dân du nhập thêm nhiều loại hình ngành nghề đánh bắt thủy hải sản mới, hiệu quả kinh tế cao; ứng dụng công nghệ máy dò cá hiện đại, công nghệ đèn led và công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch trong đánh bắt thủy sản; hỗ trợ, hướng dẫn nông dân, ngư dân vùng ven biển tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị, các chương trình phát triển sinh kế bền vững; đẩy mạnh phát triển khai thác, đánh bắt xa bờ gắn với tiếp tục nâng cấp, cải hoán tàu thuyền, trang thiết bị, ngư lưới cụ; phát triển các mô hình dịch vụ trên biển; khai thác thủy sản gần bờ gắn với phát triển du lịch, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường; tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi thủy sản; gắn nuôi trồng thủy sản với ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng; lựa chọn các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện và có khả năng canh tranh cao trên thị trường như tôm, ốc hương, cá hồng, cá chẽm…; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, liên kết từ khâu sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư thu mua, chế biến các nhóm sản phẩm có lợi thế như tôm, cá, sứa biển, nước mắm, bột cá…; khôi phục và phát triển các làng nghề chế biến truyền thống theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, đảm bảo sản xuất gắn với chỉ dẫn địa lí, thương hiệu đặc trưng của địa phương; khai thác có hiệu quả khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Cửa Việt, các cầu cảng, bến cá Cửa Việt; chú trọng phát triển thêm đội tàu dịch vụ hầu cần nghề cá với quy mô hợp lí…

Trong phát triển du lịch biển, huyện Gio Linh sẽ chú trọng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển gắn với phát triển du lịch, các khu tắm biển từ Cửa Việt đến Cửa Tùng; tổ chức các hoạt động tắm biển, nghỉ dưỡng kết hợp với các loại hình vui chơi, giải trí; phát triển thêm nhiều loại hình du lịch mới; huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp, xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch dọc tuyến biển Cửa Việt – Trung Giang; xây dựng, mở rộng các bãi tắm cộng đồng xã Trung Giang, Gio Hải; nghiên cứu xây dựng khu du lịch sinh thái đầm An Trung (thị trấn Cửa Việt)…

HTS

Theo Báo Quảng Trị

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!