Sáng 31/8, Công an TP. Tân An, tỉnh Long An phối hợp các ngành có liên quan, chủ trang trại nuôi cá kiểng tại khu phố An Thuận II, phường 7, TP.Tân An tiêu hủy toàn bộ số tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ.
Tôm hùm nước ngọt và tôm hùm đất bố mẹ được thu gom, tiêu hủy
Việc tiến hành hủy trên sau khi có kết quả của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 (TP.HCM) xác định đây là các loài thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cấm nuôi cũng như kinh doanh dưới mọi hình thức.
Các ngành chức năng tiến hành thu gom, tiêu hủy tôm tôm hùm nước ngọt và tôm hùm đất bố mẹ
Theo đại diện lãnh đạo Công an TP.Tân An, chủ cơ sở rất có thiện chí, tự nguyện phối hợp các ngành chức năng tổ chức tiêu hủy bằng hóa chất toàn bộ số tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ được nuôi trong 150 bể nuôi xây bằng gạch có lót nhựa tại trang trại.
Chủ cơ sở tiến hành phun hóa chất để tiêu hủy tôm hùm nước ngọt và tôm hùm đất
Sau tiêu hủy, các ngành chức tiếp tục giám sát, thường xuyên kiểm tra trang trại do khi chủ cơ sở T. P.M.T làm chủ nhằm tránh tình trạng tổ chức nuôi trở lại. Đồng thời, các trang trại nuôi cá kiểng khác trên địa bàn tỉnh sẽ được kiểm tra, rà soát nhằm tránh xảy ra tình trạng chăn nuôi loài sinh vật này.
Bể nuôi tôm hùm nước ngọt và tôm hùm đất tại trang trại
Ông T. P.M.T, chủ trang trại cho biết, sau khi có đoàn kiểm tra của các cơ quan chức năng, ông mới biết là việc nuôi tôm hùm nước ngọt và tôm hùm đất thuộc loài sinh vật cấm nuôi. Ông T.P.M.T cam kết không tổ chức gây giống cũng như nuôi 2 loài vật này trong thời gian tới.
Trang trại tổ chức thu gom, tiêu hủy tôm hùm nước ngọt và tôm hùm đất
Trước đó, vào ngày 27/8, các ngành chức năng đã phát hiện trang trại nuôi tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ với số lượng lớn, trên diện tích khoảng 7.000 m2, do ông T. P.M.T, làm chủ. Tại trang trại, các công đoạn từ nuôi tôm bố mẹ cho đến lai tạo giống được chủ trang trại thực hiện với quy mô rất bài bản, nhằm cung cấp cho thị trường nuôi tôm kiểng tại khu vực miền Tây, TP.HCM cũng như các tỉnh thành khác.
Theo tài liệu của Bộ NN&PTNT, tôm càng đỏ có hình dạng có màu xanh, tôm hùm nước ngọt có hình dạng màu đỏ. Đây là 2 loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp, có sức chống chịu và thích nghi cao. Đáng lưu ý, khi ra ngoài môi trường, chúng sinh sôi nhanh chóng, ăn tạp nên phá hại lúa, tiêu diệt tôm bản địa, đồng thời có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật khác.
Chính vì những nguy hại trên, tôm càng đỏ và tôm hùm nước ngọt không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh, nuôi tại Việt Nam và được xác định là loài ngoại lai xâm hại. Việc kinh doanh và tiêu thụ loài này là vi phạm quy định của pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản.
Tôm càng đỏ có hình dạng có màu xanh, tôm hùm nước ngọt có hình dạng màu đỏ
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An – Đinh Thị Phương Khanh, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân không nuôi tôm nước ngọt, tôm càng đỏ.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tăng cường phối hợp các sở, ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản. Vận động người dân, doanh nghiệp không mua bán, tiêu thụ loài tôm hùm nước ngọt.
Khi người dân phát hiện cơ sở nuôi tập trung hoặc nhỏ lẻ, nhanh chóng thông báo đến chính quyền địa phương, các ngành chức năng để có biện pháp xử lý phù hợp nhằm ngăn chặn sự phát tán loài ngoại lai, xâm hại này đối với môi trường tự nhiên./.
Mai Hương
Theo Báo Long An