Gỡ vướng mắc đầu vào cho chế biến xuất khẩu

Chưa có đánh giá về bài viết

Lĩnh vực chế biến xuất khẩu thủy sản đang ngày một lớn mạnh, tuy nhiên, việc còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu đã khiến ngành gặp khá nhiều khó khăn. Thay đổi chiến lược về nguyên liệu đang là bài toán được đặt ra.

Nhập khẩu còn nhiều

Năm 2018, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang 161 thị trường, trong đó, Mỹ, EU, Nhật Bản là những thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Để có được kết quả trên, thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thủy sản trong nước để chế biến xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, sự bất ổn định nguồn nguyên liệu thời gian gần đây, nhất là nguồn lợi khai thác đang dần cạn kiệt, buộc các doanh nghiệp phải nghiên cứu giải pháp nhập khẩu thêm nguyên liệu từ các nước khác để chế biến xuất khẩu, giữ vững thị trường và duy trì sản xuất và lợi nhuận, tăng doanh số xuất khẩu.

 

Nhập khẩu nguyên liệu giúp cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thủy sản trong tháng 7/2019 tăng 15,2% so với tháng 6/2019 và cũng tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 172,56 triệu USD. Tính chung trong cả 7 tháng đầu năm 2019, kim ngạch nhập khẩu thủy sản đạt trên 1,05 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Các thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu thủy sản chủ yếu là Na Uy, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á. Trong đó, nhập khẩu từ Na Uy liên tục tăng mạnh, với 128,37 triệu USD trong 7 tháng đầu năm, chiếm 12,2% tổng kim ngạch nhập khẩu.Nhập khẩu từ Ấn Độ 7 tháng đầu năm đạt 122,96 triệu USD, chiếm 11,7%; thị trường Đông Nam Á tăng 41,1%, đạt 112,65 triệu USD, chiếm 10,7%. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu thủy sản từ Trung Quốc 81,02 triệu USD, tăng 22,5%; Nhật Bản 77,05 triệu USD, tăng 20,3%; Đài Loan 63,51 triệu USD, tăng 1,3%; Indonesia 63,34 triệu USD, tăng 30,6%.

Tác động qua lại khá lớn

Theo các chuyên gia, khi thủy sản Việt Nam gia nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường thế giới, với rất nhiều hiệp định thương mại được ký kết mà nổi bật là CPTPP và EVFTA, đã tạo ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu, nên nhu cầu cung ứng nguồn nguyên liệu cũng gia tăng hơn. Tuy nhiên, nguyên liệu thủy sản nhập khẩu cũng có những hạn chế nhất định, bởi vì đa phần là hàng cấp đông, không chế biến được thành nhiều chủng loại sản phẩm…

Bà Cao Thị Kim Lan, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định (Bidifisco), chia sẻ, nguồn nguyên liệu cá ngừ đại dương thiếu từ 60 – 70% so với nhu cầu chế biến và đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu; thời điểm từ tháng 7 – 10 hằng năm hầu như không có nguyên liệu và phải nhập khẩu từ nước khác. Nguyên liệu thủy sản tươi khai thác trong nước ngày một cạn kiệt, do nguồn lợi suy giảm hạn hẹp và ít đi, do đó các doanh nghiệp phải tự giải quyết vấn đề này bằng việc nhập khẩu nguyên liệu. Cùng với đó, các doanh nghiệp có năng lực về tài chính, chế biến, thị trường thì việc nhập khẩu nguyên liệu sẽ giúp cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động. Việc EC ra “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam đã tác động và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp do thiếu hụt nguồn cung; trước thực tế này, Chính phủ và các bộ, ngành cũng tăng cường kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu, lắng nghe chia sẻ của doanh nghiệp từ đó có những giải pháp tháo gỡ về thủ tục. Tuy nhiên, về lâu dài, giải pháp căn cơ là cần phải sửa đổi chính sách để tạo hành lang thông thoáng và thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu về việc nhập khẩu nguyên liệu.

Giải pháp tháo gỡ

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng), để giảm và không phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu thủy sản cần coi sản xuất là gốc để phát triển, hướng tới giảm giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng thủy sản, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cũng như những quy trình, mô hình hiện đại hiệu quả cao để có thể cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định, không mang tính mùa vụ. Cùng với đó, là tăng cường kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu, xây dựng nền sản xuất không kháng sinh, truy xuất nguồn gốc nhập khẩu, quản lý theo biên mậu các mặt hàng nhập… Có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng như đẩy mạnh sản xuất trong nước.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản từng chia sẻ, cùng với chất lượng thì ngành thủy sản cần sớm khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu trong sản xuất. Việc bị động nguyên liệu không chỉ làm khan hiếm hàng mà còn dẫn đến các hệ lụy về chất lượng không bảo đảm, xuất khẩu thô… Dù được đánh giá là quốc gia có thế mạnh về thủy, hải sản, nhưng đến nay, Việt Nam chưa khai thác tốt lợi thế này do ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng, đánh bắt, chế biến… còn hạn chế. Để khắc phục tồn tại, ngành thủy sản cần sớm quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu, xác định những mặt hàng mũi nhọn, trọng điểm để đầu tư và phát triển; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào nuôi trồng và chế biến.

Cùng với đó, nghiên cứu của ThS Lê Thị Mai Anh, Học viện Tài chính cũng chỉ ra rằng, cần hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất thủy sản để nâng cao khả năng cạnh tranh, gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp và người sản xuất; Quy hoạch vùng nguyên liệu, phương thức sản xuất, nhà máy chế biến, trung tâm nghiên cứu, trung tâm hỗ trợ nông dân và chính sách tín dụng và xúc tiến thương mại; Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết các khâu trong chuỗi giá trị, tổ chức lại mô hình các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ theo hình thức hợp tác, liên kết thành các tổ chức cộng đồng, hợp tác xã, nhằm tăng cường giúp đỡ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…

>> Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, xây dựng vùng nguyên liệu không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có nguồn cung ổn định mà còn giám sát được chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh. Hiện, Chính phủ đang đề xuất với Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai và các văn bản liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có mặt bằng để xây dựng trụ sở, hạ tầng phục vụ sản xuất… hình thành vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng và chủ động cho chế biến, xuất khẩu.

An An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!