Nuôi trồng thủy sản chịu tác động ô nhiễm và biến đổi khí hậu

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm qua, diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) được mở rộng kéo theo sự gia tăng chất thải vào môi trường. Qua khảo sát thực tế tại nhiều vùng nuôi trên địa bàn tỉnh, hầu hết những hộ nuôi nhỏ lẻ, cá nhân đều chưa đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải và bùn thải tập trung.

Hạ tầng cơ sở tạm bợ, hệ thống nước cấp và thoát nước chưa được đầu tư riêng lẻ ở các ao nuôi

Nước thải sau quá trình nuôi được thải trực tiếp ra môi trường qua mương dẫn nước được kết hợp để dẫn nước mặn, nước lợ phục vụ nuôi mới kế tiếp. Vì thế mầm bệnh, ô nhiễm môi trường dễ phát sinh, ảnh hưởng đến vùng nuôi.

Dù điêu đứng sau nhiều mùa vụ thất bát, song công trình hạ tầng phục vụ xử lý môi trường đảm bảo cho các ao NTTS hiện vẫn rất hạn chế; chưa tách bạch hệ thống kênh dẫn nguồn nước cấp và thoát nước, thiếu ao chứa, ao lắng và ao xử lý.

Để đối phó, hạn chế dịch bệnh, nhiều hộ nuôi áp dụng biện pháp kỹ thuật chủ yếu như: nuôi xen ghép nhiều đối tượng, chọn vị trí con nước và thời điểm lấy nước, lịch thời vụ nuôi… Chính điều này đang gây bị động đến hiệu quả nuôi trồng của người dân vì khó kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh xảy ra. Nhất là, trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu đang gây bất lợi lớn đến NTTS, vì làm đảo lộn tập tục, kinh nghiệm xưa nay trong nghề. Rõ nét nhất trong giai đoạn gần đây là, các hiện tượng nắng nóng kéo dài, lụt bão, nước biển dâng xảy ra bất thường, khó tiên đoán trước.

Cũng trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, nhờ sự vào cuộc hướng dẫn kịp thời của cán bộ chuyên ngành thủy sản, khuyến ngư, người nuôi nhận ra những yếu tố bất lợi, tồn tại về mặt khách quan, chủ quan, nên đã thay đổi phương pháp nuôi cũng như áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm thấp nhất thiệt hại trong NTTS.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích NTTS của các địa phương trong tỉnh bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường và dịch bệnh đạt đỉnh vào năm 2010 là 916 ha và giảm dần trong giai đoạn 2011 – 2014; tương đương năm 2011 bị thiệt hại 199 ha, năm 2012 là 182 ha, năm 2013 là 120 ha và năm 2014 giảm còn 63 ha.

Hiện, một số địa phương như xã Vinh Giang, Lộc Bình (Phú Lộc)… bắt đầu liên kết và hình thành mô hình quản lý cộng đồng vùng nuôi theo hình thức hợp tác xã, tổ, nhóm để triển khai quy chế quản lý vùng nuôi thủy sản an toàn.

Tuy nhiên, do tính ràng buộc pháp lý không có, chưa mạnh về tài chính, nên tổ chức này chủ yếu chỉ dừng lại ở việc chia sẻ kinh nghiệm trong kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, chọn giống. Do điều kiện khó khăn, phần nhiều các hộ nuôi chưa có sự góp vốn đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng cũng như quản lý chặt, trông coi, giám sát lẫn nhau trong việc xả chất thải, sử dụng hoá chất, các loại thuốc, thức ăn trong quá trình nuôi và việc khoanh vùng, cách ly, dập dịch… khi có một ao nuôi xảy ra dịch bệnh, dẫn đến dễ lây lan ra các ao khác trong vùng.

 Để thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như tác động của môi trường hiện nay, NTTS đang được khuyến khích không chạy theo số lượng mà đầu tư nuôi có chất lượng, năng suất ổn định, bền vững. Đây cũng là hướng nuôi được một số địa phương đang áp dụng thực hiện. Trong đó, tập trung hướng dẫn người nuôi chọn con nuôi thích hợp, thay đổi quy trình kỹ thuật nuôi như hạn chế sử dụng kháng sinh trong phòng trị bệnh và hạn chế sử dụng hoá chất trong cải tạo ao nuôi, xử lý nước trong quá trình nuôi, nước thải nhằm đảm bảo an toàn sinh học, an toàn cho môi trường xung quanh.

Bài, ảnh: Hoài Nguyên

Theo Báo Thừa Thiên – Huế

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!