UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ triển khai dự án “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý “Cà Mau” cho sản phẩm tôm sú của tỉnh”.
Đây là dự án đặt hàng thuộc chương trình phát triển tài sản trí tuệ để tuyển chọn bắt đầu thực hiện từ năm 2020 được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt vào ngày 26/9/2019.
Mục tiêu dự án đề ra là bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý “Cà Mau” cho sản phẩm tôm sú của tỉnh, nhằm bảo vệ danh tiếng, giá trị sản phẩm và góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; xây dựng được cơ sở pháp lý và hệ thống công cụ phục vụ việc quản lý và kiểm soát sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Mục tiêu dự án đề ra là bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý “Cà Mau” cho sản phẩm tôm sú của tỉnh Cà Mau
Nội dung dự án chủ yếu là điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng nhằm xác định căn cứ thực tiễn và khoa học, xây dựng hồ sơ và nộp hồ sơ để đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Cà Mau” cho các sản phẩm tôm sú được nuôi theo mô hình tôm – rừng (tôm tươi nguyên con và tôm nguyên liệu chế biến); xây dựng cơ sở pháp lý và hệ thống các công cụ phục vụ việc quản lý và kiểm soát sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Được biết, vừa qua Ban quản lý dự án tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển tỉnh Cà Mau (gọi tắt là Ban quản lý GCF tỉnh Cà Mau) cũng đã hỗ trợ gần 3 triệu con tôm sú giống cho 66 hộ dân nuôi tôm trong vùng dự án đang triển khai trên lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Nhưng Miên thuộc huyện Ngọc Hiển.
Theo đó, tôm giống hỗ trợ cho bà con nuôi tôm lần này được tuyển chọn từ những trại sản xuất giống có uy tín ở địa phương và được các cán bộ kỹ thuật ngành thủy sản kiểm tra chặt chẽ từ lúc tôm bắt đầu ương đến khi đóng thùng mang giao cho hộ dân thả nuôi. Sản phẩm thu hoạch được hộ dân sẽ được hưởng 100%.
Đây là một trong những hoạt động chính của dự án được thực hiện tại tỉnh Cà Mau. Qua đó, nhằm hỗ trợ cho các hộ dân trong vùng dự án có các giải pháp sinh kế bền vững từ rừng ngập mặn, góp phần đạt được mục tiêu trồng, phục hồi lại 4.000 ha rừng để tăng tỷ lệ che phủ và cải thiện chất lượng rừng ngập mặn. Đồng thời, góp phần hấp thu khí carbon để giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao đa dạng sinh học.
Hoàng Tỷ
Theo Báo Công Thương