Hiện nay tại nhiều địa phương, chủ các con tàu thép đóng theo Nghị định 67 đang bị các ngân hàng thương mại kiện ra tòa vì không trả nợ đúng hạn. Ngư dân gặp khó về tài chính, ngân hàng vướng nhiều nợ xấu. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, việc kiện tụng không có lợi cho cả hai bên.
Nợ xấu nhiều, khởi kiện tăng
Theo số liệu báo cáo 9 tháng gửi Quốc hội của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết năm 2017, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng đối với ngư dân để cho vay mới, nâng cấp 1.177 tàu với tổng số tiền cam kết cho vay trên 11.700 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 9/2019, dư nợ cho vay theo chương trình đạt 10.270 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nợ xấu cho vay theo Nghị định 67 có xu hướng tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển. Tại TP Đà Nẵng, đã có 7/9 chiếc tàu 67 đánh bắt kém hiệu quả, nợ xấu ngân hàng gần 110 tỷ đồng. Tại Khánh Hòa, hiện có 12 tàu 67 nợ xấu hơn 100 tỷ đồng. Còn ở tỉnh Phú Yên, số nợ xấu là 31 tỷ đồng. Nặng nhất hiện có lẽ là ở tỉnh Quảng Trị, BIDV chi nhánh tỉnh Quảng Trị cho 10 chủ tàu cá vay 178 tỷ đồng, tuy nhiên, nợ xấu chiếm 144 tỷ đồng… Hậu quả, nhiều chủ tàu bị các ngân hàng kiện ra tòa.
Hồi tháng 4, tại Khánh Hòa, Ngân hàng NN&PTNT Khánh Hòa đã gửi 3 hồ sơ sang TAND thành phố Nha Trang để khởi kiện 3 ngư dân đòi nợ trên 30 tỷ đồng. Đây là 3 tàu cá được đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngay sau đó, đến lượt BIDV Khánh Hòa cũng có đơn gửi lên UBND tỉnh Khánh Hòa để đòi thực hiện các biện pháp xử lý nợ như: thu giữ tàu, khởi kiện, phát mãi tài sản… đối với một số trường hợp các ngư dân không có thiện chí trả nợ.
Tại các tỉnh Quảng Trị, Nghệ An, nhiều chủ tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 cũng bị các ngân hàng đưa hồ sơ ra tòa. Tính đến nay, đã có 39 trường hợp chủ tàu 67 bị ngân hàng khởi kiện.
Ngân hàng rơi thế khó
Theo Ngân hàng Nhà nước, ngoài một số nguyên nhân khách quan, bất khả kháng dẫn đến việc ngư dân không trả được nợ vay thì còn do nhiều ngư dân có thái độ chây ì, thiếu trách nhiệm trả nợ, coi đây là nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.
Đại diện một ngân hàng tại Bình Định cho biết, nhiều tàu cá hiện bị các công ty bảo hiểm từ chối vì hỏng hóc quá nhiều. Phía công ty bảo hiểm không bán bảo hiểm cho tàu cá nên Ngân hàng đề nghị không cho tàu ra khơi. Vì nếu tàu ra khơi xảy ra sự cố trên biển thì ngân hàng không thể thu hồi vốn vay.
Nhiều tàu cá đã bị hỏng hóc quá nhiều – Ảnh: ĐT
Ông Hồ Sỹ Trọng, Giám đốc ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Trị, lý giải vốn vay tàu 67 là do các ngân hàng huy động trong dân với lãi suất lên tới 8,4%/năm và cho ngư dân vay lại với lãi suất 1%/năm là đã lỗ rồi; thời gian trả nợ cũng vừa được Trung ương nâng từ 11 năm lên 16 năm.
Còn Giám đốc chi nhánh Ngân hàng BIDV Quảng Trị nhấn mạnh, trừ các nguyên nhân khách quan, việc ngư dân chây ì trả nợ sẽ gây ra rất nhiều hậu quả. Trường hợp xấu nhất, ngân hàng buộc phải mang tàu 67 ra đấu giá thương mại để thu hồi vốn.
Theo ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, đã vay vốn phải trả nợ. Chính việc lồng chính sách hỗ trợ vào hoạt động làm ăn, kinh doanh của doanh nghiệp đã dẫn đến nhiều hệ lụy, bởi quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp hay với khách hàng, với ngư dân… là quan hệ hợp đồng kinh tế, có vay có trả nếu khách hàng không muốn bị đưa ra tòa.
Trước thực trạng này, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất đẩy nhanh việc thực hiện một số giải pháp đồng bộ từ các bộ, ngành trung ương đến chính quyền địa phương các cấp, các hiệp hội nhằm hỗ trợ ngư dân, hỗ trợ ngân hàng thương mại thu hồi nợ vay, hạn chế nợ xấu gia tăng. Đối với các trường hợp bất khả kháng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân có nhu cầu chuyển đổi chủ tàu do không đủ năng lực tiếp tục đánh bắt. Đồng thời, nằm bắt các khó khăn, kiến nghị của ngư dân để phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý.
Ngư dân càng khó
Con tàu thép là mơ ước của ngư dân trước đây thì nay nó trở thành gánh nặng của họ. Tàu công suất lớn, trong khi giá dầu tăng liên tục trong thời gian qua khiến phí tổn mỗi chuyến biển càng đội lên. Thế nhưng, hiệu quả khai thác mỗi chuyến biển thấp bởi biển “cạn” nên nhiều chủ tàu không có khả năng trả nợ và gánh nợ xấu.
Chưa kể, tàu không thể hoạt động do hỏng hóc liên tục. Ông Trần Văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) than thở. Tàu thép DNa 90777 TS công suất 800 CV của ông hiện nằm bờ do không đánh bắt được. “Gia đình đăng ký vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 là nghề chụp mực, nhưng thực tế tàu không chụp được mực. Cần câu mực liên tục bị gãy khiến công ty bảo hiểm cũng phải lên tiếng. Hiện nay, ngư dân mỗi chuyến biển bị lỗ dầu, chủ tàu không có tiền trả nợ”, ông Mười than thở.
Ông Hoàng Viết Thông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình cho biết, khai thác thủy sản theo mùa vụ, nhưng nợ lại có thời hạn nhất định. Chính vì thế, khi trả lãi không đúng định kỳ, ngư dân sẽ không được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 67 mà phải trả theo vay thương mại khiến ngư dân khó thêm khó. Nợ xấu từ “tàu 67” ngày càng tăng nhanh đang gây khó khăn cho cả chủ tàu và các ngân hàng.
Nợ xấu tăng, ngân hàng ngày càng mạnh tay để nhanh chóng thu hồi vốn, tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là ngư dân bị đẩy vào thế khó, bởi nếu tàu không được ra khơi hay bị thu hồi, họ càng không có cơ hội trả nợ vay. Để tháo gỡ khó khăn, hiện nhiều địa phương tại miền Trung đang đề nghị ngân hàng giãn nợ cho ngư dân. Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, cùng với vận động ngư dân tích cực trả nợ, chúng tôi đề nghị phía ngân hàng cần chia sẻ với bà con. Bởi việc khởi kiện, thu hồi tàu không có lợi cho cả hai phía
>> Theo Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu cho vay theo Nghị định 67 có xu hướng tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển. Cụ thể, nợ xấu bắt đầu phát sinh từ năm 2017 tại 11 tỉnh, thành phố với tỷ lệ 3%; tăng lên 17% vào cuối năm 2018 và đến nay là 27,8% tại 27 tỉnh, thành phố ven biển. |