Sau một thời gian lúng túng, nhiều doanh nghiệp nước ta đã thay đổi nhanh chóng để tiếp tục đưa hàng hóa vào thị trường Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu tại thị trường này đã tăng trở lại, tuy nhiên, qua đó cũng lộ rõ sự manh mún sản xuất kinh doanh.
Chấm dứt tiểu ngạch
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản của Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Toản cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản của nước ta sang Trung Quốc đạt 720,8 triệu USD, tăng 12,9% so cùng kỳ năm 2018, chiếm 13,1% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc lớn nhất vẫn là cá tra và tôm, cá tra chiếm 50,2% và tôm chiếm 37,9% kim ngạch thủy sản sang Trung Quốc.
Cụ thể, kim ngạch cá tra sang Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm đạt 361,85 triệu USD, tăng 19,4%. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là cá tra phile đông lạnh, cá tra nguyên con xẻ bướm tẩm muối đông lạnh, cá tra nguyên con hoặc cắt khoanh đông lạnh, bong bóng cá tra sấy và đông lạnh, bao tử cá tra đông lạnh.
Còn mặt hàng tôm xuất khẩu trong 8 tháng sang Trung Quốc đạt 273,02 triệu USD, tăng 9,4%. Trong đó, TTCT 126,7 triệu USD, tăng 40,2%; tôm sú 119,5 triệu USD giảm 20,4%; tôm các loại khác 26,8 triệu USD tăng 195,1%. Tôm nước ta vào Trung Quốc tăng khá trong tháng 8, khi nước này tạm thời dừng nhập tôm từ Ả Rập Saudi từ ngày 2/8/2019 do phát hiện có virus đốm trắng trong lô hàng.
Ngoài cá tra và tôm, nhiều mặt hàng thủy sản cũng tăng khá ấn tượng sang Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2019. Đó là cá ngừ đạt 10,2 triệu USD, tăng 141,3%; một số thủy sản khác đạt 61,8 triệu USD, tăng 12,9%.
Những mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc trở lại đà tăng trưởng nhờ đáp ứng yêu cầu về ATTP, đi qua đường chính ngạch. Trong lúc một số mặt hàng thủy sản chưa đảm bảo truy xuất nguồn gốc đã bị giảm sút như nhóm mực và bạch tuộc chỉ đạt 13,8 triệu USD trong 8 tháng đầu năm 2019, giảm hơn 52%.
8 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt 273,02 triệu USD – Ảnh: LHV
Nhìn rõ thực trạng
Việc siết chặt kiểm soát hàng nhập khẩu của thị trường Trung Quốc để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã lộ rõ ra thực trạng sản xuất kinh doanh manh mún, chưa theo kịp xu hướng hiện đại của nước ta. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu của Bộ Công thương Trần Thanh Hải nhận xét: “Một số địa phương và doanh nghiệp vẫn giữ phương thức kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến tình trạng hàng hóa không tiêu thụ được”.
Các cơ quan chức năng của Trung Quốc yêu cầu, tất cả thủy sản phải được lấy từ các công xưởng có đăng ký doanh nghiệp Việt Nam, khi khai báo hải quan phải xuất trình chứng thư về thủy sản do Nhà nước Việt Nam cấp. Bao bì thủy sản in nhãn đầy đủ tên thương mại và khoa học, quy cách, ngày sản xuất, số lô, điều kiện bảo quản, phương thức sản xuất (đánh bắt biển/nuôi trồng), vùng sản xuất, tên và mã số doanh nghiệp chế biến. Sản phẩm của Việt Nam được chấp nhận kiểm dịch tại Trung Quốc mới nhập khẩu.
Trong lúc, như tỉnh Nam Định có hai sản phẩm thủy sản nuôi trồng thế mạnh là ngao và cá bống bớp, các năm trước phát triển mạnh vì xuất khẩu đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Ngao hàng năm đạt sản lượng có khi tới 50.000 tấn nhưng năm 2019 lao đao vì tắc đầu ra. Còn cá bống bớp, chỉ huyện Nghĩa Hưng có 400 ha nuôi cá bống bớp, sang năm 2019 không thể xuất khẩu nên rớt giá, diện tích teo lại còn 200 ha. Muốn xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, các doanh nghiệp phải được chứng nhận tiêu chuẩn HACCP (hệ thống quản lý mang tính phòng ngừa nhằm đảm bảo ATTP), truy xuất nguồn gốc và kiểm soát tồn dư các chất độc hại trong sản phẩm (ví dụ như hàn the, urê…). Thế nhưng, đến nay tỉnh Nam Định mới có 9 doanh nghiệp chế biến được chứng nhận tiêu chuẩn HACCP.
Còn tỉnh Quảng Ninh có biên giới với thị trường Trung Quốc cũng tắc đầu ra của tôm nuôi do tình trạng manh mún cơ sở nuôi. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Công thừa nhận, tôm nuôi của Quảng Ninh chưa đáp ứng quy định của thị trường nên không thể vào Trung Quốc thời gian qua. bởi, sản phẩm tôm muốn vào thị trường Trung Quốc thì ao nuôi phải được cấp mã chứng nhận, thế nhưng trong hơn 1.100 cơ sở nuôi TTCT của TP Móng Cái, hiện mới có 1 cơ sở được cấp. Phải có mã chứng nhận ao nuôi thì mới có thể cấp giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuân thủ nguyên tắc
Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi của Bộ Công thương Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh: “Nhiều doanh nghiệp nước ta coi quan hệ với Trung Quốc là thương mại biên giới và đây là điều khiến doanh nghiệp phải trả giá”. Theo bà Oanh, các doanh nghiệp nước ta đang mắc rất nhiều sai lầm khi xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, do chưa biết tầng lớp trung lưu của Trung Quốc đang ngày càng tăng và yêu cầu về chất lượng hàng nông, thủy sản cũng tăng lên rất nhiều. Cứ nuôi trồng ồ ạt mà không chuẩn bị kỹ về thị trường, nhất là không quan tâm đến việc vùng nuôi trồng phải nằm trong vùng quy hoạch hay chưa cũng là một nhận thức sai lầm lớn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, bên cạnh những thay đổi về chính sách quản lý nhập khẩu hàng nông, thủy sản, Trung Quốc cũng đang tái cơ cấu kinh tế trong đó tập trung đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lớn và là thách thức với nông, thủy sản Việt Nam. Theo vị chỉ huy ngành, Trung Quốc có hơn 1,4 tỷ dân, nông, thủy sản nước ta tìm thị trường tiêu thụ không phải quá khó, vấn đề là sản xuất kinh doanh phải theo chuỗi, phải đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
>> Mới đây, Hải quan Trung Quốc công bố danh sách 665 doanh nghiệp thủy sản ở 40 tỉnh và thành phố tại Việt Nam, được phép xuất khẩu thủy sản vào thị trường này. Nhiều đánh giá cho rằng, hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đã và đang đi vào nề nếp, đúng quy định. |
Ngọc Duyên