Năm 2019, trong khi xuất khẩu hải sản có bước tăng trưởng đáng kể thì hai sản phẩm chủ lực của thủy sản Việt Nam là tôm và cá tra đều giảm, khiến kế hoạch cả năm không hoàn thành. Nguyên nhân được cho là do biến động từ một số thị trường trọng điểm.
Thị trường biến động
Tổng cục Thủy sản cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm 2019 ước đạt 7,084 tỷ USD, giảm 2% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó tôm đạt 2,78 tỷ USD giảm 6,4% và cá tra đạt 1,64 tỷ USD giảm 10%. Còn hải sản trên 2,66 tỷ USD tăng 10% với các sản phẩm tăng cao là cá ngừ 609,6 triệu USD tăng 12,7%; cua, nghẹ, giáp xác khác 117,7 triệu USD tăng 11,5%; các loại cá khác 1,376 tỷ USD tăng 17%.
Xuất khẩu tôm giảm do một số nước trong khu vực như Ấn Độ, Ecuador … tiếp tục được mùa tôm, giá thành sản xuất thấp, nguồn cung dồi dào. Thị trường nhập khẩu tăng rào cản kỹ thuật: Trung Quốc siết chặt quản lý nhập khẩu biên mậu; tăng kiểm soát chất lượng, ATTP và truy xuất nguồn gốc trong khi nhiều doanh nghiệp nước ta chủ quan, chưa đáp ứng yêu cầu.
Đối với cá tra, kim ngạch xuất khẩu đi một số thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc bắt đầu giảm từ tháng 3/2019 do dự trữ hàng hóa khá nhiều từ cuối năm 2018. Trong nước, giá cá tra nguyên liệu duy trì ở mức cao liên tục 2 năm 2017 – 2018 đã khuyến khích sản xuất làm tăng nguồn cung, tạo xu hướng giảm giá do dư cung. Một số quốc gia như Indonesia, Trung Quốc, Bangladesh đã đầu tư phát triển cá tra, đặc biệt Indonesia bắt đầu xây dựng, quảng bá dòng cá tra sạch và chiếm lĩnh thị trường Trung Đông. Còn thị trường Ả rập – Saudi vẫn đóng cửa đối với thủy sản Việt Nam, trong đó có cá tra.
Xuất khẩu sản phẩm từ khai thác hải sản tăng mạnh so với năm 2018 do các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu có giải pháp duy trì các thị trường truyền thống (Nhật, Hàn Quốc); tìm kiếm, mở rộng thị trường mới. Có những thị trường tăng trưởng vượt bậc như cá ngừ vào thị trường Trung Quốc tăng 135%, Mỹ 58%, riêng thị trường Mỹ đã chiếm gần 44% kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này.
Xuất khẩu cá tra không đạt kỳ vọng – Ảnh: ST
Thận trọng
VASEP dự báo cả năm 2019, xuất khẩu tôm 3,4 tỷ USD, giảm 5% so với năm 2018; xuất khẩu cá tra 2,06 tỷ USD, giảm 9%. Còn hải sản tiếp tục tăng trưởng để có thể cạnh tranh vị trí hàng đầu với tôm.
Phân tích của VASEP, tôm xuất khẩu giảm các tháng đầu năm, từ quý III/2019 đã phục hồi nhẹ gần 1% so cùng kỳ năm ngoái, sang tháng 10 tiếp tục tăng. Tính trong 9 tháng đầu năm, các thị trường điển hình tăng là Trung Quốc 7,2%, Mỹ 1%, Australia 7,3%, Đài Loan 13,9%. Đặc biệt ở thị trường Trung Quốc, tôm chân trắng tăng từ tháng 6 theo chính ngạch qua đường biển gấp khoảng 1,5 lần so với tháng trước, xu hướng này tiếp tục những tháng cuối năm; còn tôm sú hiện nay Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 32% tổng giá trị xuất khẩu tôm sú nước ta.
Cá tra cũng phục hồi mạnh ở thị trường Trung Quốc, quý III/2019 đạt 198,3 triệu USD tăng 56,6% so với cùng kỳ. Đến nay, thị trường cá tra đứng đầu là Trung Quốc đã bỏ xa Mỹ và EU, với 450,7 triệu USD trong 9 tháng đầu năm, tăng 19,6% so với cùng kỳ. Trước đây, Việt Nam chỉ xuất khẩu cá tra nguyên con tới một số tỉnh biên giới phía Nam Trung Quốc, nay sản phẩm cá tra fillet đã có mặt tại những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Đại Liên. Nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc sẽ còn cao hơn nữa.
Qua biến động, VASEP cho rằng, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ cần thống nhất duy trì tốc độ tăng trưởng không quá lớn so với tốc độ phát triển của ngành. Nếu không, rủi ro về bị áp thuế có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, từ Chính phủ Mỹ hoặc từ nguyên đơn. Đòi hỏi sự chia sẻ vì quyền lợi chung, không vì lợi ích ngắn hạn làm ảnh hưởng toàn ngành.
Còn cá tra, cũng theo VASEP, cần có chiến lược quốc gia xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, khi thị trường đã chiếm 32% giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam và dự báo có thể tăng lên 35 %. Lệnh cấm tôm từ Ecuador vào Trung Quốc khiến ngành tôm nước này chấn động khi 50% sản lượng tôm Ecuador xuất khẩu sang Trung Quốc có thể xem là lời cảnh báo cho ngành cá tra nếu không có chiến lược lâu dài.
Cần tính toán kỹ lưỡng
Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong tháng còn lại của năm, Bộ Công thương cho rằng, cần tận dụng mọi cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, kiểm soát nhập khẩu vào Việt Nam và xử lý các vấn đề về lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ hàng hóa trong hoạt động xuất, nhập khẩu với thị trường Mỹ, Trung Quốc và cả các quốc gia khác. Bộ cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần tính toán kỹ lưỡng trong các giải pháp thúc đẩy đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất, xuất khẩu, tránh việc phát triển “quá đà”, dễ rơi vào tình trạng bị động, dư thừa sản lượng khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận xuất khẩu trở lại.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người sản xuất thủy sản tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm. Cụ thể là đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin, tuyên truyền để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp. Tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên thủy sản nuôi và công tác kiểm dịch trong xuất nhập khẩu tôm nguyên liệu, tăng cường xây dựng, phát triển vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh. Kiểm soát tốt chất lượng, ATTP thủy sản nguyên liệu; kiểm soát tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm, góp phần đảm bảo uy tín của ngành tôm Việt Nam. Khuyến khích phát triển sản xuất thủy sản theo hướng liên kết chuỗi và áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP, ASC…
>> Theo Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòeối với ngành hàng tôm, yêu cầu trước mắt lẫn dài hạn là phải tạo ra nguồn tôm sạch có chứng nhận với giá cạnh tranh. Cần sắp xếp lại vùng nuôi, tạo nên các trang trại, hợp tác xã nuôi quy mô lớn theo chuẩn nuôi quốc tế có chứng nhận. Yêu cầu dài hạn phải xây dựng cho được thương hiệu tôm Việt. |
Thanh Hải