Cuối năm vừa qua, trên các cảng cá miền Trung, những chuyến tàu đánh bắt từ Hoàng Sa, Trường Sa tấp nập về bến chở theo đầy tôm, cá. Thời tiết thuận lợi giúp ngư dân miền Trung đánh bắt hải sản hiệu quả hơn so với mọi năm. Giá cá dịp Tết cũng cao hơn nên ngư dân có một cái tết đầm ấm.
Những chuyến biển trúng giá
Tại cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, hàng chục tàu thuyền đánh cá từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình liên tục cập bến bán cá.
Vừa cập cảng và bán cho thương lái hơn 6 tấn cá biển, ngư dân Nguyễn Phận ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, chủ tàu cá QNg 94419 cho biết, chuyến biển này, tàu của anh chỉ đi 10 ngày để kịp về ăn Tết. Năm nay thời tiết thuận lợi, giá cá lại cao nên chuyến biển này rất hiệu quả.
“Năm nay, nói chung chuyến cuối là đạt nhất. Có rất nhiều ghe đạt. Sản lượng không được trúng lắm nhưng cá giá đắt. Tôi đi phạm vi là 10 ngày 1 chuyến, về bán cá được 150 triệu đồng, trừ chi phí mỗi người được 15 – 17 triệu đồng”, ngư dân Nguyễn Phận cho biết.
Những chuyến biển cuối cùng gặp may, tàu nào cũng đầy ắp cá, giá bán lại cao nên ngư dân nào cũng mừng. Ngư dân Lê Văn Thiên, chủ tàu cá ĐNa 90888, ở quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết vừa bán hết 5 tấn cá, chủ yếu là cá thu, cá mú, cá hồng, cá cam sau 15 ngày vươn khơi. Chuyến biển cuối thu về 300 triệu đồng, trừ chi phí, 10 anh em bạn thuyền, mỗi người cũng có 15 triệu đồng.
Dịp Tết, giá cá tại chợ đầu mối hải sản Đà Nẵng tăng cao. Cá thu 300 nghìn đồng/kg, cá diêu hồng 200 nghìn đồng/kg, cá cam 150 nghìn đồng/kg… tăng 50 – 100 nghìn đồng/kg so với ngày thường.
“Hái lộc trời” ở ghềnh đá Nam Ô
Những tháng cận Tết Nguyên đán, các hộ dân làng chài Nam Ô, thành phố Đà Nẵng bận rộn kiếm thêm thu nhập từ nghề vớt, cào rong biển. Nghề mưu sinh vào cuối năm đem lại thu nhập khá cao, có khi lên đến hàng chục triệu đồng mỗi năm cho người dân. Thứ “lộc trời ban” này đem về cái Tết ấm no cho người dân nơi đây.
Tại ghềnh đá Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, người dân nơi đây đã bắt đầu công việc hái rong biển từ 4 giờ sáng. Rong được người dân làng chài Nam Ô gọi là mứt biển. Để hái được rong, họ phải dậy từ rất sớm, mỗi buổi người hát ít nhất cũng được từ 1 – 2 cân, người hái nhanh có thể được 4 – 5 cân.
Dụng cụ để hái rong biển là chiếc túi lưới, miếng kim loại cán mỏng, hình tròn, nhỏ vừa bằng lòng bàn tay để cạo rong biển ra khỏi đá. Bà Đinh Thị Nương (63 tuổi), là một trong những người làm nghề cào rong biển lâu năm tại Nam Ô, chia sẻ: Nghề này không vất vả nhưng lại vô cùng nguy hiểm, vì chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là có thể gây hại đến tính mạng. Rong biển mọc trên những vách tảng đá trơn, trượt. Muốn lấy được người dân phải bám chặt vào mảng đá, một tay cào rong, mắt phải canh chừng sóng. Nếu lỡ may trượt chân, sóng đánh vào dễ bị cuốn ra biển. Bà Nương cho rằng, nghề này dẫu nguy hiểm nhưng cả đời gắn bó cũng thành thói quen và bù lại cho thu nhập cao. Nhiều người thu hàng chục triệu đồng mỗi năm.
“Đi từ 5 đến 7 giờ là có 400 – 500 ngàn. Những người già từ 50 – 60 tuổi sáng ra làm chút thời gian là về có ba bốn trăm ngàn rồi”, bà Nương chia sẻ.
Theo bà con làng Nam Ô, rong biển sau khi hái về được rửa qua ở nước biển và thêm hai lần nước ngọt, sau đó để ráo. Khoảng 10 cân rong biển tươi thì sẽ được 1 cân khô. Mỗi cân rong biển tươi bán với giá từ 200 đến 300 ngàn đồng, rong biển khô có giá từ 2,5 đến 3 triệu đồng. Bà Đặng Thị Kế (59 tuổi) cho biết, những tháng trước Tết chính là lúc rong mới mọc, rất ít và hiếm nên cực kỳ đắt đỏ. Theo bà Kế, người dân làng Nam Ô làm đủ thứ nghề ở ghềnh đá này. Ngoài việc hái rong biển, họ còn có thể kiếm hào, bào ngư, rau câu tăng thêm thu nhập.
Rong biển phát triển trong thời tiết khắc nghiệt, từ khoảng đầu tháng 10 đến cuối tháng 12 âm lịch. Khi nước ngọt từ những đợt mưa lũ làm nước biển giảm độ mặn, cây rong biển hình thành, phát triển, phủ dày các gành đá. Rong biển ở Nam Ô được nhận xét là thơm, ngon hơn nhiều so với những vùng khác, nên rất được giá, bán chạy.