Tại Hội nghị toàn quốc triển khai Kế hoạch hành động đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, 2020 cần được coi là năm bản lề để thực hiện các kế hoạch, chiến lược, đề án bài bản trong lĩnh vực ATTP xuyên suốt cho các năm tiếp theo và phát triển các chuỗi cung ứng nông sản.
Thông tin từ Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), đến nay cả nước đã có 1.950 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP, tương đương với diện tích 38,6 nghìn ha cây trồng, tăng gấp đôi diện tích giai đoạn 2016. Với thủy sản, có 624 vùng/cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP trong NTTS với tổng diện tích 5.174 ha, tăng gấp ba diện tích giai đoạn 2016. Trước yêu cầu khắt khe của các thị trường, năm 2019, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thiện hệ thống kiểm soát ATTP tương đương với Mỹ để được tiếp tục xuất khẩu cá da trơn vào thị trường này. Bộ cũng chỉ đạo quyết liệt các biện pháp tháo gỡ “thẻ vàng”, duy trì xuất khẩu thủy sản sang EU. Tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại nông, lâm, thủy sản tại các thị trường EU, Philippines, Hồng Kông, Ba Lan… Đồng thời, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo phổ biến quy định mới, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc.
An toàn thực phẩm trong thủy sản ngày càng siết chặt. Ảnh Duy Khương
Năm 2020, Bộ NN&PTNT đặt nhiều mục tiêu về ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp như: Tỷ lệ các cơ cở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại A, B tăng lên 98% so với 97% năm 2019, xếp loại C được nâng hạng A/B tăng lên 90% so với 86% năm 2019. Tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn tăng lên 75% so với 65% năm 2019. Tỷ lệ sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực, có mức độ rủi ro cao, đang có nhiều bức xúc về ATTP được kiểm soát ATTP theo chuỗi đạt 50%.