Sáng 21/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “4.0 thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp”. Bộ NN&PTNT có báo cáo đánh giá khá đầy đủ thực trạng, nguyên nhân yếu kém và kiến nghị giải pháp phát triển.
Tiến bộ
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, nông sản nước ta đã có 12 nhóm mặt hàng được chế biến, xuất khẩu đạt giá trị cao. Trong đó, 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 1 tỷ USD trở lên là lâm sản và đồ gỗ (năm 2019 xuất khẩu gần 11,2 tỷ USD), thủy sản (hơn 8,6 tỷ), rau quả (hơn 3,7 tỷ), hạt điều (gần 3,3 tỷ), gạo (gần 2,8 tỷ), cà phê (hơn 2,7 tỷ), cao su (gần 2,3 tỷ), các mặt hàng khác (gần 2,3 tỷ); có 04 mặt hàng dưới 1 tỷ USD là sắn và các sản phẩm từ sắn (973 triệu USD), hạt tiêu (715 triệu), chăn nuôi (710 triệu), chè (235 triệu). Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2019 gần 41,3 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm 2018.
Xuất khẩu thủy sản đạt hơn 8,6 tỷ USD năm 2019. Ảnh minh họa
Từ năm 2013 – 2019, công nghiệp chế biến nông sản cả nước có tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm 5 – 7%. Xuất khẩu chiếm khoảng 65% tổng giá trị chế biến. Bước đầu hình thành hệ thống chế biến nông sản với khoảng 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. Bên cạnh, hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình rải khắp các địa bàn. Nhiều dự án lớn chế biến nông sản được đầu tư, riêng năm 2018 – 2019 có 30 dự án với tổng vốn khoảng 1 tỷ USD khởi công xây dựng, một số đã hoàn thành bước vào sản xuất.
Công nghệ chế biến một số ngành hàng tương đối hiện đại mang tầm khu vực và thế giới, như chế biến hạt điều, lúa gạo, tôm, cá tra. Nhiều ngành hàng hội nhập rất tốt với kinh tế thế giới. Sản phẩm chế biến nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đi hơn 180 nước và vùng lãnh thổ.
Yếu kém
Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, số cơ sở chế biến nông sản có quy mô vừa và nhỏ, hộ gia đình chiếm khoảng 95% số cơ sở. Hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm (bằng 1/2 đến 1/3 của các nước khác). Một số cơ sở chế biến của một số ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm, thiết bị cũ, công nghệ kỹ lạc hậu.
Nhìn chung ngành hàng có trình độ công nghệ chế biến trung bình khá trở lên là thủy sản, điều, gạo, cao su, sữa; ngành hàng còn ở mức trung bình thấp và lạc hậu là chè, giết mổ gia súc gia cầm. Đặc biệt, công nghệ tiên tiến về bảo quản sau thu hoạch chưa được nghiên cứu, chuyển giao áp dụng nhiều trong thực tiễn nên tổn thất sau thu hoạch còn lớn, giao động từ 10 – 20%. Cụ thể tổn thất rau quả, sắn khoảng 20 – 30%; cà phê, tiêu, điều, chè khoảng 10 – 15%; thủy sản đánh bắt khoảng 15 – 20%; lúa gạo khoảng 5 – 7%.
Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp chiếm đến 70 – 85%, nên việc nâng cao giá trị hàng nông sản Việt Nam thông qua chế biến chưa cao. Cụ thể, sản phẩm chế biến giá trị gia tăng cao nhất là trong thủy sản cũng chỉ khoảng 30%; các loại nông sản khác 10 – 20%; nhất là sản phẩm bao gói nhỏ cung cấp cho bán lẻ mới chiếm khoảng 10%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận hội nghị
Yếu kém bao trùm hệ thống chế biến nông sản theo Bộ NN&PTNT: “Các doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu: Sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất – chế biến – tiêu thụ của các ngành hàng nhìn chung thiếu chặt chẽ”.
Nguyên nhân và giải pháp
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho rằng nguyên nhân chính là cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn việc đầu tư vào chế biến nông sản. Trước hết, về đất đai: “Tích tụ đất đai, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đang là điểm nghẽn lớn nhất trong thu hút đầu tư doanh nghiệp vào sản xuất và chế biến. Chuyển đổi linh hoạt theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP nhằm tích tụ đất đai như: cho thuê đất; chuyển nhượng quyền sử dụng đất; góp vốn bằng đất; chính quyền xã thuê lại đất của những hộ không có nhu cầu để cho doanh nghiệp thuê lại… song kết quả còn rất hạn chế. Nông dân vẫn có tâm lý lo mất đất khi tham gia vào HTX hoặc liên kết sản xuất lớn với doanh nghiệp”. Trong lúc, chất lượng công tác tham mưu về phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản chưa cao, chưa có tầm chiến lược. Chưa đề xuất được chính sách mang tính “đột phá” cho lĩnh vực này.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh đến chính sách đất đai: “Xây dựng khung pháp lý và có chính sách hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp; cho phép mua, thuê lại đất của nông dân để cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất chuyên canh nông sản hàng hóa quy mô lớn đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu cho chế biến”.
Từ cơ sở tích tụ đất đai, tổ chức sản xuất nguyên liệu, phát triển các cụm liên kết sản xuất – chế biến và tiêu thụ nông sản. Cụ thể xây dựng các cụm như sau:
Về lúa gạo, thủy sản, rau trái: “Cụm liên kết vùng trồng lúa gắn với cơ sở xay xát, bảo quản tại các tỉnh ĐBSCL và ĐBSH. Cụm liên kết vùng nuôi tôm nước lợ và cá tra gắn với cơ sở chế biến đông lạnh xuất khẩu tại các tỉnh ĐBSCL. Cụm liên kết vùng trồng rau và cây ăn quả gắn với cơ sở bảo quản, chế biến rau quả xuất khẩu tại các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ”.
Về lâm sản và cây công nghiệp: “Cụm liên kết chế biến gỗ gắn với vùng nguyên liệu rừng trồng tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, Đông Nam bộ, miền Trung và Tây Nguyên. Cụm liên kết vùng trồng cây công nghiệp (cà phê, cao su, mía đường, chè…) gắn với cơ sở chế biến tại các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Bắc Trung bộ và Trung du miền núi phía Bắc”.
Đồng thời xây dựng “các cụm liên kết vùng sản xuất – chế biến và tiêu thụ trong nội bộ của các tỉnh có các mặt hàng nông sản chủ lực và đặc sản của địa phương”.
>> Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc xây dựng thương hiệu là rất quan trọng và phải làm ăn lớn, bây giờ làm nhỏ lẻ không được, buôn thúng bán mẹt không được, nông sản muốn ra siêu thị lớn phải có vùng nguyên liệu. Sắp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội về việc tích tụ đất đai, đây là vấn đề rất lớn. Trong công tác thị trường cần quan tâm đúng mức đến thị trường nội địa, phải xem đây là ưu tiên hàng đầu để nhân dân có sản phẩm nông thủy sản chất lượng, đảm bảo sức khỏe của người dân Việt Nam. |