Gỡ khó nguyên liệu cho xuất khẩu

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngành thủy sản nước ta được đánh giá phát triển ngành một nhanh, hiện đại, sản phẩm thủy sản đã phủ sóng tại nhiều thị trường trên thế giới. Thế nhưng, cái khó của ngành bấy lâu nay vẫn chưa được khắc phục, đó là điểm nghẽn nguyên liệu.

Xuất khẩu ngày càng mạnh

Báo cáo của Bộ NN&PTNT, công nghệ chế biến một số ngành hàng nông sản tương đối hiện đại mang tầm khu vực và thế giới. Hàng đầu là ngành thủy sản với chế biến tôm, cá tra hội nhập rất tốt với kinh tế thế giới, sản phẩm xuất khẩu đi hàng trăm nước.

Phó Tổng Thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam cho biết, ngành thủy sản tiên phong xâm nhập EU từ năm 1995 và năm 1999 đã có 19 doanh nghiệp được xuất khẩu vào thị trường này, từ đó thúc đẩy đầu tư công nghệ hiện đại. Đến nay, có 559 nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào EU, lớn gấp 30 lần so cách đây 20 năm.

Chế biến nông sản nước ta theo Bộ NN&PTNT, bước đầu hình thành hệ thống với khoảng 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. Bên cạnh, hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình rải khắp các địa bàn. Xuất khẩu chiếm khoảng 65% tổng giá trị chế biến.

Cá tra là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam   Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Năm 2019, nông sản nước ta có 12 nhóm mặt hàng được chế biến, xuất khẩu đạt giá trị cao. Trong đó, 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 1 tỷ USD trở lên là lâm sản và đồ gỗ (năm 2019 xuất khẩu gần 11,2 tỷ USD), thủy sản (hơn 8,6 tỷ), rau quả (hơn 3,7 tỷ), hạt điều (gần 3,3 tỷ), gạo (gần 2,8 tỷ), cà phê (hơn 2,7 tỷ), cao su (gần 2,3 tỷ), các mặt hàng khác (gần 2,3 tỷ); có 4 mặt hàng dưới 1 tỷ USD là sắn và các sản phẩm từ sắn (973 triệu USD), hạt tiêu (715 triệu), chăn nuôi (710 triệu), chè (235 triệu). Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản gần 41,3 tỷ USD, tăng 3,2% so năm 2018.

 

Mắc đầu vào

Yếu kém bao trùm hệ thống chế biến nông sản theo Bộ NN&PTNT: “Các doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu: Sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất – chế biến – tiêu thụ của các ngành hàng nhìn chung thiếu chặt chẽ”.

Trong ngành thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, nguyên liệu phục vụ chế biến còn thiếu. Bên cạnh đó, giá thành nguyên liệu của Việt Nam cao hơn so một số nước cạnh tranh với ta như Ấn Độ, Thái Lan từ 10 – 20%.

Trong điểm nghẽn nguyên liệu, Bộ NN&PTNT còn nhấn mạnh, công nghệ tiên tiến về bảo quản sau thu hoạch chưa được nghiên cứu, chuyển giao áp dụng nhiều nên tổn thất sau thu hoạch còn lớn, giao động từ 10 – 20%. Tổn thất sau thu hoạch thủy sản đánh bắt tới 15 – 20%. Sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng trong thủy sản cũng chỉ khoảng 30%.

Các đại biểu thống nhất đánh giá, nguyên nhân chính của yếu kém là hạn chế trong tích tụ ruộng đất. Báo cáo của Bộ NN&PTNT: “Tích tụ đất đai, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đang là điểm nghẽn lớn nhất trong thu hút đầu tư doanh nghiệp vào sản xuất và chế biến. Chuyển đổi linh hoạt theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP nhằm tích tụ đất đai như: cho thuê đất; chuyển nhượng quyền sử dụng đất; góp vốn bằng đất; chính quyền xã thuê lại đất của những hộ không có nhu cầu để cho doanh nghiệp thuê lại… song kết quả còn rất hạn chế. Nông dân vẫn có tâm lý lo mất đất khi tham gia vào HTX hoặc liên kết sản xuất lớn với doanh nghiệp”. Ông Nam cũng kiến nghị cần chính sách tích tụ đất đai để tạo ra sản xuất lớn.

 

Tháo gỡ cách nào?

Trong mục tiêu phát triển đến năm 2030, Bộ NN&PTNT đề cập chính sách đất đai để xây dựng vùng nguyên liệu cho chế biến: “Xây dựng khung pháp lý và có chính sách hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp; cho phép mua, thuê lại đất của nông dân để cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất chuyên canh nông sản hàng hóa quy mô lớn đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu cho chế biến”. Từ đó, tổ chức sản xuất nguyên liệu, phát triển các cụm liên kết sản xuất – chế biến và tiêu thụ.

Với thủy sản xây dựng: “Cụm liên kết vùng nuôi tôm nước lợ và cá tra gắn với cơ sở chế biến đông lạnh xuất khẩu tại các tỉnh ĐBSCL”; đồng thời xây dựng “các cụm liên kết vùng sản xuất – chế biến và tiêu thụ trong nội bộ của các tỉnh có các mặt hàng nông sản chủ lực và đặc sản của địa phương”.

Các cụm liên kết sẽ tạo điều kiện đầu tư công nghệ nuôi được số hóa. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn Trương Thị Lệ Khanh phân tích: “Số hóa ứng dụng trong quản lý môi trường, quản lý nuôi. Số hóa được dữ liệu sản lượng, quy hoạch vùng nào nên làm gì, sản lượng cân đối giữa cung với cầu. Số hóa sẽ giúp người dân nuôi thủy sản văn minh hơn, các tổ chức quốc tế đến kiểm tra điều kiện chất lượng sản phẩm sẽ được thuyết phục. Số hóa cũng giúp chính phủ quy hoạch cụ thể, bản thân doanh nghiệp nắm được thông tin định hướng để phát triển ổn định”.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!