Theo quy định, tàu khai thác xa bờ phải có đủ 4 chứng chỉ, gồm: thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng và thợ máy mới được ra khơi. Điều này nhằm đảm bảo an toàn cho ngư dân khi hoạt động trên biển, tuy nhiên, thực tế lại nảy sinh nhiều bất cập.
Điều kiện bắt buộc
Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, theo Thông tư 22/2019/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên phải hội đủ 4 chứng chỉ: Thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng và thợ máy mới được vươn khơi. Nếu chỉ thiếu 1 trong 4 chứng chỉ nói trên, khi ra khơi, ngành chức năng phát hiện tàu sẽ bị “ách” lại. Do đó, dẫu không muốn thì chủ tàu cá đánh bắt xa bờ ở Bình Định cũng phải trang bị cho đủ 4 chứng chỉ nói trên để hành nghề.
Vì vậy, những năm qua Bình Định khá “bận bịu” với công tác đào tạo nhân lực nghề cá. Cũng theo ông Bình, hàng năm tỉnh mở lớp đào tạo cho khoảng 200 – 300 ngư dân lấy các chứng chỉ. Khi ngư dân các địa phương đăng ký đủ một lớp 35 người thì Chi cục Thủy sản sẽ liên kết với các tổ chức đào tạo nghề cá được công bố, đơn vị đào tạo cử giáo viên về tận địa phương để mở lớp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đi học, khóa học có cán bộ Chi cục Thủy sản giám sát.
Ảnh minh họa
“Kinh phí khóa học ngư dân tự nộp, riêng tàu đóng theo Nghị định 67 thì kinh phí đào tạo được Nhà nước hỗ trợ. Đến nay, gần như tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân trong tỉnh đã “phủ kín” các chứng chỉ cần thiết, bởi nếu khi ra khơi, qua cửa biển, Bội đội Biên phòng kiểm soát mà thấy thiếu 1 trong 4 chứng chỉ nói trên tàu sẽ bị giữ lại. Nếu không đào tạo được thuyền viên trên tàu học lấy chứng chỉ thì chủ tàu phải thuê chứng chỉ để đủ thủ tục vươn khơi”, ông Nguyễn Công Bình cho hay.
Ngư dân Võ Thế Dư (47 tuổi), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99252 TS (825CV) ở thôn Hóa Lạc, xã Cát Thành (huyện Phù Cát) cho biết, tàu cá của anh có chiều dài thân tàu 27,5 m, chiều ngang 7,3 m; với tàu to như vậy thì việc phải tuân thủ có đủ 4 chứng chỉ là điều hiển nhiên. “Tôi học lấy chứng chỉ thuyền trưởng lúc chưa đóng “tàu 67” nên phải tự trả chi phí đào tạo 2 triệu đồng, còn thuyền viên đi học thợ máy chi phí 750.000 đồng. Thời gian học 7 ngày. Ngư dân đăng ký học trong thời gian tàu nghỉ. Từ ngày 12 âm lịch hàng tháng tàu cập bờ là Chi cục Thủy sản đưa giáo viên ra tận xã dạy. Bây giờ đi tàu vỏ thép, 12 thuyền viên trên tàu của tôi đều có chứng chỉ vận hành tàu vỏ thép và chứng chỉ an toàn kỹ thuật. Kể ra cũng có lợi, ví như học an toàn kỹ thuật thuyền viên sẽ nắm được cách muối đá cho cá như thế nào mới đúng, giúp bảo quản cá cho tốt, bao lâu sau phải muối lại. Hoặc như học vận hành tàu vỏ thép thì ngư dân nắm bắt được chức năng của các thiết bị để sử dụng thuần thục”, ngư dân Võ Thế Dư bộc bạch.
“Khát” bạn thuyền
Một thực trạng đang làm “đau đầu” các chủ tàu cá đánh bắt xa bờ ở Bình Định là rất khó kiếm bạn thuyền. Ví như trường hợp của tàu cá vỏ thép BĐ 99252 TS (825CV) của ngư dân Võ Thế Dư. Sau một thời gian dài tàu nằm bờ vì hết hạn bảo hiểm, 12 thuyền viên của anh không thể “nằm” theo con tàu, vì cần phải kiếm tiền lo cho gia đình, vậy là họ đi bạn cho tàu khác. Ngày 9/3 vừa qua, tàu anh được mua được bảo hiểm, để chuẩn bị cho tàu ra khơi, anh Dư phải đôn đáo kiếm bạn thuyền mới.
“Bạn thuyền bây giờ kiếm “chảy máu mắt” mới ra một người, trong khi tàu của tôi cần đến 12 người. Để chiêu mộ được bạn, trước khi họ xuống tàu, tôi phải ứng trước mỗi người 8 triệu đồng. Có không ít trường hợp lao động nhận tiền của chủ tàu, đến ngày vươn khơi họ vẫn mang ba lô đồ đạc xuống tàu. Thế nhưng sau đó, nhân lúc mọi người bận bịu khởi động cho tàu xuất bến thì họ lặng lẽ lên bờ, bỏ lại ba lô toàn đồ cũ. Tôi nói là để minh chứng chuyện kiếm bạn thuyền bây giờ rất khó, nhiều khi kiếm ra rồi nhưng cuối cùng chủ tàu mất “cả chì lẫn chài””, ngư dân Dư cho biết.
Thực trạng trên đã khiến các chủ tàu “nhát” đưa thuyền viên đi đào tạo lấy các chứng chỉ cần thiết. Bởi, trong nghề đánh bắt xa bờ, bạn thuyền là “di động”, thay đổi thường xuyên. Hợp đồng giữa chủ tàu với bạn thuyền chủ yếu bằng miệng, không có sự ràng buộc pháp lý nên chuyện chấm dứt lao động quá đơn giản. Thuyền viên khó trung thành mãi với một chủ tàu. Sau vài chuyến biển đánh bắt không hiệu quả, thu nhập ít, họ sẽ bỏ tàu kiếm tàu khác đi ngay. Do vậy, nếu chủ tàu bỏ tiền cho thuyền viên học lấy chứng chỉ, học xong đi được vài chuyến biển thua lỗ là lập tức mất nhân sự. Đến lúc ấy chủ tàu lại phải đi thuê người khác rồi lại bỏ tiền cho họ học lấy chứng chỉ, rất tốn kém.
Cũng có ý kiến cho rằng, khóa đào tạo chỉ 7 ngày, chừng ấy thời gian chưa đủ để giáo viên truyền đạt hết kiến thức cần thiết, đồng nghĩa ngư dân cũng chẳng tiếp thu được bao nhiêu. Nhất là đối với chứng chỉ thợ máy. Trong khi vai trò của thợ máy khá quan trọng, là người phụ trách máy chính, máy phát điện, hệ thống trục chân vịt, các thiết bị điện, điện lạnh và các máy móc, thiết bị khác của tàu; sửa chữa những hư hỏng đột xuất, bảo dưỡng định kỳ đối với các máy móc, thiết bị, dự tính trước tình huống xấu có thể xảy ra để đề xuất với máy trưởng những biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời… đảm bảo các máy móc hoạt động đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình. “Do vậy, tôi nghĩ công tác đào tạo nghề cá hiện nay chỉ là để đối phó, ngư dân cần được đào tạo bài bản hơn thì mới vận hành được các thiết bị, máy móc hiện đại được trang bị cho tàu cá”, một chủ tàu cá tâm tư.
>> Lao động nghề cá rất đặc thù. Trước tiên, yêu cầu lao động không say sóng, thứ đến là không ít thì nhiều phải quen với nghề; đối với nghề lưới vây phải biết lặn, thông thạo động tác kéo lưới, muối cá. Trong khi, số lượng tàu đánh bắt xa bờ ngày càng tăng, lao động nghề cá không phát sinh nên nhiều tàu phải nằm bờ vì không kiếm ra bạn. |
Vũ Đình Thung