Giá cá ngừ đại dương tại các tỉnh Nam Trung bộ đã giảm mạnh trong 2 chuyến biển gần đây nên phần lớn ngư dân thua lỗ, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu tạm ngừng hoặc thu mua với giá rất thấp; việc ra khơi hay nằm bờ, đang là bài toán trăn trở của nhiều ngư dân.
Giá giảm, tàu thua lỗ
Ghi nhận tại khu vực Nam Trung bộ, hiện có gần 3.000 tàu câu cá ngừ đại dương gặp khó khăn khi giá cá sụt giảm. Tại tỉnh Phú Yên, dù đang là cao điểm tàu khai thác cá ngừ đại dương cập cảng, nhưng theo chia sẻ của ngư dân, cứ 10 tàu thì chỉ 3 tàu lãi hoặc hòa vốn, 7 tàu còn lại lỗ khoảng 20 – 30 triệu đồng, khi cá loại 1 giảm chỉ còn 80.000 – 90.000 đồng/kg, loại 2 mức 40.000 đồng/kg.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân giá cá giảm được cho là do doanh nghiệp cá ngừ không xuất được hàng nên hạn chế thu mua. Đơn cử, hai doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ lớn tại Phú Yên mới đây thông báo không thu mua cá ngừ trong tháng tới. Đặc biệt, có nơi tư thương mua cá loại 1 chỉ với giá 60.000 đồng/kg nên nhiều ngư dân phải mang cá đi tỉnh khác bán. Ngư dân mong nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư kho cấp đông nguyên liệu, nâng giá cá thu mua, tạo động lực cho chủ tàu ra khơi, giảm thiểu rủi ro.
Từ tháng 3, do dịch COVID-19 bùng phát tại các thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn của Việt Nam như Mỹ, Italy, Tây Ban Nha, đã khiến hoạt động giao thương sang các thị trường này ngừng trệ; doanh nghiệp Việt không xuất khẩu được, lượng tồn kho sản phẩm cá ngừ đại dương khá lớn. Tại tỉnh Bình Định, lượng tồn kho tới hơn 600 tấn, còn tại Phú Yên hơn một tháng qua không xuất được hàng, kho trữ đông cũng chật cứng. Do đó, việc thu mua nguyên liệu cá ngừ của ngư dân là không thể.
“Khát” kho lạnh
Một trong những nguyên nhân dẫn đến giá một số mặt hàng thủy sản thời gian qua sụt giảm mạnh chính là doanh nghiệp xuất khẩu hạn chế thu mua do không còn kho lạnh để dự trữ hàng.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp thủy sản, họ đang thiếu kho lạnh một cách trầm trọng; vì vậy mà không thể thu mua được nhiều nguyên liệu, khiến hoạt động sản xuất của nông dân, ngư dân thời gian qua vô cùng khó khăn. Ngoài ra, 20 – 40% đơn hàng thủy sản bị khách yêu cầu tạm hoãn, 20 – 30% đơn hàng bị yêu cầu dừng hoặc hủy nên nhu cầu thuê kho lạnh cũng tăng cao.
Để giải bài toán này, VASEP đã kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ lãi suất 0% trong hai năm đầu và giảm lãi suất 50% trong 4 năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn để doanh nghiệp đầu tư xây dựng kho lạnh tồn trữ với công suất tối thiểu là 5.000 pallet trở lên; đồng thời hỗ trợ giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho 2 năm đầu khi các kho lạnh đi vào vận hành.