Trước tình hình khó khăn trong xuất khẩu, nhiều khuyến cáo được đưa ra cho các doanh nghiệp nhóm hàng này là nên tập trung ưu tiên vào sản phẩm đông lạnh, hạn chế hàng tươi sống để thích ứng với thị trường nhập khẩu.
Ba tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc chỉ đạt 107,4 triệu USD, giảm 24% so cùng kỳ năm ngoái. Theo VASEP, tất cả thị trường nhập khẩu mặt hàng mực, bạch tuộc hàng đầu của Việt Nam đều sụt giảm.
Cụ thể, tại Hàn Quốc – thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam khi chiếm 41% tổng giá trị xuất khẩu, quý I/2020, kim ngạch nhóm hàng này chỉ đạt 44,5 triệu USD, giảm 27,6% so cùng kỳ năm 2019. Tiếp đến là Nhật Bản, xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang thị trường này trong quý I/2020 cũng giảm 19,5% với kim ngạch đạt 29 triệu USD. Thị trường EU giảm tới 36,5%, với trị giá 8,7 triệu USD; trong khi đó, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Israel đạt 1,3 triệu USD, tăng 283%.
Trước tình hình này, VASEP khuyến nghị các đơn vị xuất khẩu mực, bạch tuộc có thể tập trung bán cho các kênh online, ưu tiên sản phẩm đông lạnh, đóng hộp, chế biến sâu có hạn sử dụng dài, giảm sản phẩm tươi sống do người dân thay đổi thói quen tiêu dùng.