Những vướng mắc lớn nhất trong ngành sản xuất thức ăn thủy sản, cụ thể là ngành thức ăn nuôi tôm hiện nay lại nằm ở các trại nuôi và khâu quản lý. Theo tôi, ngành công nghiệp nuôi tôm phải học hỏi và đi theo ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm ở khía cạnh an toàn sinh học và dứt khoát từ bỏ hệ thống nuôi mở trong ao để phát triển và xây dựng hệ thống nuôi khép kín theo các tiêu chuẩn an toàn sinh học đầy đủ.
Ngoài ra, một nguồn thức ăn nuôi tôm được đánh giá là thành công hay không lại phụ thuộc vào khâu quản lý thức ăn ở trang trại đó, đây chính là nhiệm vụ của người nông dân (những người trực tiếp tham gia sản xuất). Các “vệ tinh” xung quanh là các công ty sản xuất thức ăn và chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và hỗ trợ người nông dân hoạt động. Hầu hết trại nuôi tôm tại châu Á đều do nông dân làm chủ và hoạt động theo quy mô nhỏ với nguồn lực tài chính và cơ hội tiếp cận kênh thông tin khoa học kỹ thuật chính thống còn rất hạn chế. Ngành tôm nuôi cũng sẽ nối gót ngành cá vây nuôi từ việc tăng cường sử dụng các loại thức ăn ép đùn nhằm cải thiện dinh dưỡng và tăng trưởng cho tôm cho đến gia tăng nguồn thức ăn an toàn sinh học. Cuối cùng là giảm chi phí thức ăn trên mỗi đơn vị sản phẩm, chú trọng sản xuất các loại phụ gia thức ăn nhạy cảm nhiệt, enzymes, vitamin, chất tạo màu và probiotics.
Khi bạn quản lý thức ăn tốt, thì cũng góp phần mang lại thành công cho cả trang trại. Cần phải nhớ rằng, ngành nuôi trồng thủy sản đang được coi là chìa khóa giải bài toán an ninh lương thực, nhất là khi dân số toàn cầu bùng nổ. Cá và các loại thủy sản có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp chất dinh dưỡng cho con người. Đây là một trong 3 nguồn protein chủ lực cho con người sau ngũ cốc và sữa, chiếm 6,5% tổng nguồn cung protein toàn cầu hoặc 16,4% tổng nguồn cung protein động vật. Tuy nhiên, nguồn thủy sản tự nhiên không thể đáp ứng được nhu cầu của thế giới khi dân số gia tăng suốt 2 thập kỷ qua và do đó nuôi trồng thủy sản trở thành tia hy vọng về một nguồn cung protein bền vững. Mặt khác, thủy sản là nguồn dinh dưỡng có giá phù hợp với người tiêu dùng, thậm chí ở những quốc gia châu Phi nơi có thu nhập thấp và ở châu Á. Riêng khu vực châu Á, cá và sản phẩm thủy sản là nguồn protein chủ lực sau ngũ cốc và các loại rau, chiếm 7,5% nguồn cung protein toàn khu vực và 21,9% nguồn cung protein động vật nói riêng.
Từng nghiên cứu sâu về dinh dưỡng thủy sản, tôi luôn mong chờ mọi cá nhân và tập thể trong ngành nuôi trồng thủy sản nhận thức được giá trị thực của từng sản phẩm mà họ đang sản xuất. Đó không chỉ là những sản phẩm chứa hàm lượng dưỡng chất quan trọng hàng đầu như DHA hay EPA, mà tất cả các dưỡng chất khác như các loại protein chất lượng cao, tốt cho tiêu hóa; từ đó đưa thủy sản thực sự trở thành một “siêu thực phẩm” – sự lựa chọn dinh dưỡng tối ưu cho con người.