Từ ngày 1/9, tất cả các loại cá da trơn, trong đó có cá tra, basa Việt Nam sẽ được chính quyền Mỹ chính thức công nhận với tên gọi chung là “catfish”; Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ đứng ra giám sát chất lượng cá da trơn nội địa và nhập khẩu.
Cá tra hiện phổ biến hơn cá nheo Mỹ và nếu nó quay trở lại tên cũ “catfish” thì ngành cá tra Việt Nam có thể phải đối mặt với hàng loạt quy định kiểm tra chất lượng rất khắt khe. Không những vậy, với tên gọi “catfish”, ngành cá tra đứng trước nguy cơ mất thương hiệu “tra fish” đã xây dựng nhiều năm. Không ít chuyên gia lo ngại đã đến lúc người nuôi cá da trơn tại Mỹ đạt được mục tiêu chặn đứng cá tra Việt Nam và chấm dứt những ngày tháng chiếm lĩnh thị trường Mỹ của sản phẩm nhập khẩu giá rẻ này.
Trước đó, Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) chịu trách nhiệm giám sát chất lượng cá tra, basa Việt Nam. Sự thay đổi quản lý có nghĩa những thanh tra viên của USDA sẽ trực tiếp thăm và kiểm tra mọi công đoạn của chuỗi sản xuất tại Việt Nam, từ giai đoạn ương nuôi con giống tới khi đóng gói thành phẩm.
Cá tra, basa Việt Nam chiếm 90% thị phần cá da trơn tại Mỹ. Chắc chắn phía Mỹ sẽ tăng cường khâu kiểm tra chất lượng nhưng cũng phải nhấn mạnh rằng cá tra Việt Nam đã bán thành công tại Mỹ từ 10 – 15 năm vừa qua và chưa có trường hợp nào gây hại cho người tiêu dùng Mỹ. Ngoài ra, ngành công nghiệp nuôi cá tra, basa của Việt Nam được đánh giá là ngành có luật quản lý chặt chẽ nhất trên thế giới. Các trang trại được cấp chứng nhận bởi các tổ chức độc lập và tên tuổi như ASC, BAP và GlobalGAP. Trong khi, các nhà máy chế biến cũng kết hợp chặt chẽ các nguyên tắc của HACCP trong sản xuất và đáp ứng các điều kiện IFS và BRC. Hầu như tất cả các nhà máy này đều được chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cá sang thị trường khó tính như EU.
Tuy nhiên, tất cả những điều này chẳng có nghĩa lý gì tại các vựa nuôi cá da trơn của Mỹ như Mississippi, Louisiana và Alabama. Với các hộ nuôi cá tại đây, cá tra, basa của Việt Nam chỉ là một mối nguy hại bởi giá quá rẻ nên đã cướp mất thị trường của họ.
Đáng tiếc, thay vì đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá hình ảnh cá nheo Mỹ nhằm lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, thì Hiệp hội Cá nheo Mỹ (CFA) lại tiến hành một cuộc chiến dai dẳng và gay gắt nhằm bôi nhọ cá tra, basa của Việt Nam bằng mọi hình thức. Họ không ngần ngại xuất bản tài liệu về cá tra, basa nuôi ở sông Mê Kông nhiễm chất độc hóa học màu da cam. Nhưng thực tế, con cá này được nuôi trong những ao nhân tạo và ăn cám viên công nghiệp. Chưa dừng lại ở đó, CFA còn vận động Quốc hội Mỹ không cho cá tra, basa của Việt Nam sử dụng tên “catfish” khi vào thị trường Mỹ. Khi việc đổi tên chẳng làm khó được cá tra, CFA dùng đến công cụ chống bán phá giá. Thuế chống bán phá giá là điều hết sức phi lý, nhưng cho tới nay nó vẫn đang tồn tại dù mức thuế áp dụng khác nhau với từng hãng sản xuất cá tra Việt Nam.