Đại gia và cán bộ ngân hàng cùng dắt tay nhau ra tòa, hình ảnh đã trở nên khá quen thuộc những năm gần đây. Một trong những nguyên nhân, kinh tế khủng hoảng, doanh nghiệp lún sâu vào nợ nần, phải vay tiền ngân hàng đảo nợ và sản xuất cầm cự. Đến khi không “cầm cự” nổi nữa thì bỏ trốn hoặc vào tù…
Ngân hàng là bạn doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần vốn sản xuất, kinh doanh, về lý thuyết ngân hàng chính là người cấp vốn tiện lợi nhất, đáng tin cậy nhất. Doanh nghiệp làm ăn tấn tới, ngân hàng thu hồi vốn và lãi đúng kỳ hạn, hai “nhà” cùng phấn khởi, có anh có tôi vui vẻ khăng khít như môi với răng. Nền kinh tế trong nước đang ngon gặp lúc kinh tế thế giới khó khăn, sao tránh khỏi không bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp năn nỉ ngân hàng “cứu bồ”. Đây là lúc bản lĩnh ngân hàng thể hiện. “Cứu bồ”, song cần làm đúng hay làm trái quy định pháp luật? Nhiều ngân hàng đã chọn phương án làm trái.
Theo quan điểm của người viết bài này, cách làm trái đã ngấm vào nhiều cán bộ ngân hàng, ngay từ khi doanh nghiệp và ngân hàng đang khăng khít. Thẩm định hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp thiếu chặt chẽ; định giá tài sản thế chấp sai lệch; phương án sản xuất – kinh doanh có tính khả thi thấp (nhiều khi chỉ là vỏ bọc cho một phương án khác) vẫn được chấp nhận; phương án trả nợ thiếu rõ ràng…
Đấy chỉ mới là những cái sai ban đầu. Những cái sai tiếp theo là không giám sát chặt chẽ việc giải ngân và giám sát việc doanh nghiệp sử dụng đồng vốn có đúng phương án vay vốn không, có đạt hiệu quả đề ra không.
Nếu ngân hàng đã chọn cách làm như vậy, đương nhiên khi doanh nghiệp gặp khó, ngân hàng cũng sẽ chọn cách “cứu bồ” trái quy định như che giấu nợ xấu, cho phép đảo nợ. Số doanh nghiệp vượt qua được vũng lầy nợ nần kiểu này rất ít, số lớn sẽ ngày càng ngập sâu hơn cho đến khi không thể “giãy giụa” được nữa!
Để tránh cảnh hai “nhà” lôi nhau vào tù, cần đến nhiều giải pháp và đã nhiều người bàn. Trong phạm vi bài viết này, người viết muốn nhấn mạnh: Trước tiên, doanh nghiệp cần “liệu cơm gắp mắm”, không tìm mọi cách tăng trưởng quá nóng. Những doanh nghiệp lâm nợ nần, tù tội mà chúng tôi biết, nguyên nhân thường là tăng trưởng quá nóng, quá tự tin vào những thuận lợi mà chưa tính được hết rủi ro. Tiếp đến, phía ngân hàng cần luôn tỉnh táo, phải tính cho hết những rủi ro chứ không chỉ những thuận lợi, và phải có phương án xử lý rủi ro đúng pháp luật, đó là điều kiện tiên quyết trước khi duyệt cho vay tiền.
Và không thể không bàn đến quản lý nhà nước. Nhiều chuyên gia nhận định cần sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng; bởi theo luật hiện hành Ngân hàng Nhà nước đang được trao rất nhiều quyền, song khi xảy ra hàng loạt vụ án liên quan đến tội phạm ngân hàng thì chưa rõ được trách nhiệm thanh tra, giám sát của cơ quan này.
Những vụ án liên quan đến tội phạm ngân hàng đang là hiện thực đau lòng, là tiếng chuông cảnh tỉnh cho nhiều cán bộ ngân hàng. Họ cần ý thức được rằng, những tiêu cực phải được phát hiện và kịp thời đấu tranh ngăn chặn bởi chính những người trong ngành ngân hàng trước khi nó bị cơ quan pháp luật xử lý; có vậy mới tránh được cảnh “rách bằng bàn tay không vá, rách bằng cái rá không khâu, đến khi rách bằng con trâu thì còn khâu với vá làm sao”?!
Luật sư – Nhà báo