Việt Nam đã được giới thiệu, tập huấn và ứng dụng một số quy trình thực hành nông nghiệp tốt để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Xuyên suốt trong dây chuyền thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn, mỗi khâu sản xuất đều có một quy trình sản xuất tốt để kiểm soát ATVSTP.
Nhưng tại sao thủy sản Việt Nam và một số nông sản khác vẫn chưa an toàn trong mắt người tiêu dùng quốc tế? Cũng có nhiều nguyên nhân như do lời đồn thổi, bóp méo sự thật từ các đối thủ cạnh tranh nhằm hạ bệ sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế; điển hình nhất là sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, Việt Nam đang thiếu đồng bộ trong việc ứng dụng các quy trình thực hành nông nghiệp tốt ở dây chuyền sản xuất. Trong khâu này, khi con cá được nuôi cho đến lúc thu hoạch, sơ chế, chế biến rồi tới bàn ăn, đã phải đi qua nhiều khâu, từ đóng gói, vận chuyển đến bày bán. Nếu làm tốt khâu này nhưng chưa tốt ở khâu kế tiếp, sẽ dẫn đến ô nhiễm thực phẩm. Việt Nam chỉ làm tốt từng khâu nhỏ, chưa làm tốt dây chuyền sản xuất tổng hợp. Ngoài ra, kiến thức về khoa học kỹ thuật của nhiều nông dân Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Họ chưa có nhiều điều kiện được tập huấn về quy trình sản xuất an toàn, trách nhiệm theo chuẩn quốc tế.
Thị trường sẽ là động lực mạnh nhất buộc các doanh nghiệp, người sản xuất, nông dân phải sản xuất thực phẩm sạch, an toàn. Thị trường quốc tế rất khắt khe, cẩn trọng trong khâu kiểm soát ATVSTP, kiên quyết tẩy chay mặt hàng không đảm bảo chất lượng. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần phải xây dựng hệ thống thanh tra, kiểm tra tốt, buộc nhà sản xuất tuân thủ nghiêm chỉnh hệ thống sản xuất thực phẩm an toàn. Ngoài ra, xây dựng mô hình ứng dụng thực hành đồng bộ từ khâu con giống, nuôi, thu hoạch, sản xuất, chế biến sau thu hoạch cũng là điều cần thiết. Đây là dây chuyền khép kín, đảm bảo ATVSTP. Mô hình này là một ứng dụng tốt cho xuất khẩu và công tác quản lý thực phẩm tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, để xác nhận một sản phẩm thủy sản hay bất kỳ nông sản nào là an toàn, cần phải kiểm tra dư lượng thuốc, các loại hóa chất, vi khuẩn có trong đó. Để định tính và định lượng các mối nguy này, cần phải có phòng thí nghiệm để phân tích, kiểm tra. Đây cũng là một điều khó đối với Việt Nam, vì hiện nay các cơ sở phân tích cấp quốc gia tương đối đầy đủ máy móc dụng cụ chủ yếu chỉ có ở các thành phố lớn. Do đó, sản phẩm không được kiểm tra từ gốc đến ngọn. Tại EU, khâu kiểm tra ATVSTP được đặt lên hàng đầu. EU cũng là một trong những khu vực có hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả nhất thế giới, khó thực phẩm bẩn nào lọt được vào thị trường này và xuất hiện trên bàn ăn của người tiêu dùng. EU có hệ thống hàng rào kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm rất chặt chẽ. Họ có những quy trình sản xuất tốt được phổ biến trên toàn thế giới. Nhiều sản phẩm muốn có chỗ đứng trên thị trường buộc phải sản xuất theo quy trình này. Mạng lưới chuyên gia thanh tra, kiểm sát quy trình sản xuất tốt khá dày và hoạt động hiệu quả. Từ thực tế này, Việt Nam cần chú trọng khâu đào tạo về ATVSTP, vì đây cũng là mảng kiến thức vô cùng quan trọng.
Gần đây, nhiều thị trường (EU, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản…) đưa ra cảnh báo về tồn dư kháng sinh trong các lô hàng thủy sản nhập từ Việt Nam. Nếu Việt Nam không giải quyết nhanh và dứt điểm vấn đề ATVSTP thì sẽ đánh mất hàng tỷ USD nguồn thu từ xuất khẩu, đồng thời thương hiệu và uy tín thủy sản Việt sẽ tổn thương nghiêm trọng.
Chủ tịch HĐQT Gillseafood (Australia) kiêm phóng viên Tạp chí Advocate