Cá nuôi, đặc biệt là cá hồi của ngành thủy sản được ví như “thịt gà” trong ngành chăn nuôi gia súc gia cầm nhờ thu hoạch quanh năm, sản phẩm giá trị gia tăng đa dạng. Nhưng cá tra, basa của Việt Nam chỉ được dán nhãn đơn điệu như một sản phẩm rẻ tiền thay thế cá thịt trắng. Ngành công nghiệp cá da trơn Việt Nam đang trải qua nhiều biến cố.
Cụ thể, đó là sự “gia cố hệ thống, phương hướng hoạt động” toàn bộ ngành cá tra Việt Nam. Điều này có nghĩa, “sân chơi” cá tra sẽ bị thu hẹp, chỉ dành cho số ít công ty quy mô lớn, có khả năng thâu tóm quá trình sản xuất từ khâu con giống tới tiếp thị và bán sản phẩm cuối cùng. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn. Thực tế, hầu hết nguồn vốn đầu tư đều tới từ nước ngoài như Iceland, Thái Lan, Hà Lan, Đan Mạch, Trung Quốc và Nhật Bản. Những nhà đầu tư này đang xây dựng chiến lược hoạt động, cách thức tiếp thị cá da trơn Việt Nam – điều mà ngành cá tra Việt Nam đã không làm được suốt thời gian qua.
Những nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào “sân chơi” cá tra không hẳn là những đại gia trong làng thủy sản. CP Food của Thái Lan vốn dĩ là một nhà xuất khẩu gia cầm lớn nhất thế giới cũng đang xây dựng một nhà máy chế biến cá tra với thương hiệu mới tại Việt Nam. Công ty này tuyên bố sẽ trở thành một trong những hãng sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng hàng đầu thế giới. Điều này là một tín hiệu đáng mừng cho ngành cá tra Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn bủa vây như hiện nay. Ngành cá tra Việt Nam sẽ có thêm nhiều sản phẩm giá trị gia tăng để phục vụ xuất khẩu.
Công ty Gò Đàng (Godaco) tại Việt Nam thu hoạch khoảng 120 tấn cá da trơn mỗi ngày. Sản lượng thu hoạch dự tính tiếp tục tăng năm 2015, phục vụ 4 nhà máy chế biến ở Tiền Giang. Công ty này đang tiến hành xây dựng một nhà máy chế biến sản phẩm giá trị gia tăng hiện đại, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm nay.
Bruce Sato, cố vấn cấp cao thuộc lĩnh vực nghiên cứu và phát triển sản phẩm của công ty này cho biết, nhà máy mới sẽ tập trung chế biến sản phẩm nướng, xông khói, chiên, rán, sushi… Godaco là công ty Việt Nam, thành lập năm 1998 nhưng đã thu hút khá nhiều nhà đầu tư Iceland, Thái Lan, Hà Lan, đồng thời cũng là những nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực gia cầm.
Thị trường chính của công ty này là EU với mặt hàng fillet IQF truyền thống. EU là thị trường khó tính, với mặt hàng fillet đông lạnh, họ luôn yêu cầu kích cỡ 120 – 220 g. Điều này làm khó người nuôi, bởi họ không thể nào kiểm soát hoàn toàn được quá trình tăng trưởng của cá. Cá thu hoạch ở nhiều trang trại khác nhau, kích cỡ không đồng đều, được xuất sang thị trường khác với giá thấp hơn. Do đó, để có thể giữ giá bán tốt, nhiều công ty đã cố gắng chuyển sang bán sản phẩm giá trị gia tăng. Với Godaco, nỗ lực chuyển hướng sang sản phẩm giá trị gia tăng giúp công ty mở rộng thị trường sang Nhật Bản, Mỹ, và mục tiêu trọng tâm sẽ là thị trường Đông Nam Á với các sản phẩm ăn liền. Bruce cho biết, dây chuyền sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng được đầu tư hiện đại, có khả năng sản xuất trên 100 dòng sản phẩm khác nhau, một vài sản phẩm sẽ được tung ra thị trường vào đầu năm 2015.
Nói một cách đơn giản, các nhà đầu tư đang muốn chế biến cá da trơn của Việt Nam theo cách họ đã làm với thịt gà. Thịt gà có thể chế biến được món gì thì cá da trơn cũng có thể làm được món đó. Tương lai không xa, cá da trơn sẽ xuất hiện ở quán ăn nhanh với thực đơn phong phú. Nhiều nhà đầu tư vào cuộc, cá da trơn Việt Nam đang dần chuyển hướng sang sản phẩm giá trị gia tăng. Sự chuyển hướng tuy còn chậm chạp nhưng là tín hiệu tốt cho ngành. Đã đến lúc, cá da trơn Việt Nam phải biết tận dụng mọi lợi thế “trời ban”.