Phát triển lúa trên đất nuôi tôm: Tất cả đã sẵn sàng

Chưa có đánh giá về bài viết

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức “Hội nghị phát triển lúa và xây dựng thương hiệu gạo trên vùng luân canh tôm-lúa ở ven biển ĐBSCL” lần thứ 3 được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng. Với sự đồng thuận cao từ Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp các tỉnh ven biển ĐBSCL, các nhà khoa học, doanh nghiệp, đã mở ra một hướng đi đầy triển vọng cho cây lúa trên vùng đất nuôi tôm.

 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng: Phải tạo nên sự khác biệt về chất để xây dựng một thương hiệu mạnh

Mô hình tôm-lúa hiện đang có sự đồng thuận cao từ phía các địa phương, doanh nghiệp và nông dân nên rất thuận lợi để phát triển và xây dựng thương hiệu trong thời gian tới. Bộ NN&PTNT cũng đã có định hướng phát triển cây lúa luân canh nuôi tôm ở các tỉnh ven biển ĐBSCL trên cơ sở tạo nên sự khác biệt về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm tạo nên giá trị sản xuất cao hơn và một thương hiệu mạnh. Vấn đề hiện nay là phải chọn lọc những giống phù hợp nhất, khác biệt với các vùng sản xuất lúa khác để hình thành nên một vùng sản xuất lúa hoàn toàn khác biệt. Tốt nhất là những giống lúa trúng mùa, lúa mùa, hay lúa thơm và mỗi tỉnh chỉ nên chọn ra một vài giống thích hợp nhất, có chất lượng cao nhất để xây dựng thương hiệu dễ dàng hơn. Đây mới chính là mô hình “Nông nghiệp thông minh” như một số nước phát triển đang thực hiện. Trước mắt, cần thí điểm trên diện tích vừa phải, xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ…

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA): Phải giải quyết vấn đề giống và quy định canh tác

Phải quy hoạch bao nhiêu loại giống là vừa, quy trình sản xuất như thế nào để ổn định được sản lượng và chất lượng cho xây dựng thương hiệu? Đây là bài toán cần sớm có lời giải! Trước đến nay, chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu cho lúa gạo là do chúng ta chưa có vùng sản xuất tập trung một vài loại giống có chất lượng và ổn định được sản lượng. Chúng ta không nên đặt mục tiêu giá xuất khẩu cho gạo thơm từ 1.000 USD/tấn vì hiện nay chúng ta vẫn chưa có đủ giống đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, ổn định như Thái Lan hay Ấn Độ, nhưng với mức giá xuất khẩu cao nhất như vừa qua là 850 USD/tấn cũng đã đủ để nâng cao thu nhập cho người trồng lúa thơm.

Thị trường gạo cấp thấp của Việt Nam hiện vẫn còn khó, nhưng thị trường gạo thơm và gạo cao cấp khác vẫn rất khả quan, nên việc tập trung cho chất lượng sẽ là hướng đi hiệu quả và lâu dài. Vì vậy, Hiệp hội sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên tham gia cùng các địa phương trong việc phát triển mô hình tôm-lúa.

Kỹ sư Hồ Quang Cua, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng: Chỉ cần làm cho nông dân có thu nhập cao hơn, họ sẽ thích trồng lúa

Trước đây, nông dân vùng nuôi tôm không thích trồng lúa vì năng suất và thu nhập thấp. Tuy nhiên, từ năm 2007 đến nay, việc phát triển lúa trên đất nuôi tôm đã thuận lợi hơn, do năng suất đã được cải thiện và giá bán ngày một tăng. Điều đó cho thấy, nếu chúng ta làm cho nông dân có thu nhập cao hơn từ cây lúa, họ sẽ thích trồng lúa. Nông dân trong vùng nuôi tôm nước lợ hiện rất thích trồng các giống lúa thơm Sóc Trăng (ST) vì dễ đạt năng suất và giá bán cao. Tuy nhiên, diện tích trồng lúa thơm trong vùng nuôi tôm của Sóc Trăng chỉ mới chiếm khoảng 10% do lượng giống chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Các giống lúa thơm Sóc Trăng hiện được một số doanh nghiệp xây dựng nên những nhãn hiệu hàng hóa như: Nàng Xuân, Nam Đô, Xuân Hồng, Ngọc Đồng, Ngọc Đỏ, Purple Rice ST… Lúa thơm Sóc Trăng vốn rất ngon cơm, lại được trồng trên đất nuôi tôm nên sản phẩm rất an toàn.


Bà Lưu Thị Lan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gentraco: Sẽ liên kết với Sóc Trăng để mở rộng diện tích mô hình đạt chuẩn GlobalGap

Công ty đã liên kết với Sóc Trăng để xây dựng vùng nguyên liệu lúa thơm ST trên vùng tôm – lúa đạt chuẩn GlobalGAP từ năm 2010 và đã xây dựng thành công thương hiệu gạo thơm Ngọc Đồng từ giống ST13 và mới đây là thương hiệu gạo Ngọc Đỏ từ giống ST3 đỏ. Đối với giống ST13 hiện được người tiêu dùng đón nhận rất tốt tại hầu hết các siêu thị trong nước. Công ty cũng đã giới thiệu loại gạo này tại các hội chợ quốc tế và nhận được đơn đặt hàng của khách nước ngoài, nhưng không có đủ hàng để cung ứng. Vì vậy, trong các kỳ hội chợ quốc tế hay trong nước, công ty đều ưu tiên giới thiệu, chào hàng cho gạo thơm Sóc Trăng. Năm 2013, công ty đăng ký mở rộng vùng sản xuất ST13 theo hướng GlobalGAP tại xã Ngọc Đông (huyện Mỹ Xuyên) để đáp ứng nhu cầu thị trường. Sở dĩ chúng tôi chọn Sóc Trăng vì chất lượng gạo nơi đây rất cao, an toàn, đủ khả năng phát triển ra nhiều thị trường thế giới. 

Bà Lê Tú Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp GAP: Phát triển lúa trên đất nuôi tôm là điều kiện thuận lợi để sản xuất gạo an toàn

Vừa qua, Công ty đã có liên kết với Sóc Trăng thực hiện thí điểm mô hình sản xuất lúa sạch tại xã Hồ Đắc Kiện (huyện Châu Thành). Công ty hiện đang rất quan tâm đến loại gạo đỏ để xuất khẩu sang Mỹ. Do đó, Công ty đang triển khai sử dụng gạo đỏ ST3 để làm gạo lức ăn liền và dự kiến lô hàng đầu tiên sẽ được xuất đi vào đầu năm 2013. Với nền tảng cây lúa trên đất nuôi tôm là rất phù hợp với mục tiêu sản xuất gạo an toàn của công ty, nên tới đây, chúng tôi sẽ kết hợp với các tỉnh để triển khai thực hiện mô hình thí điểm, theo hướng đầu tư phân bón trả chậm đến cuối vụ và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn các quy trình sản xuất khác.

>> Tại Hội nghị “Phát triển lúa và xây dựng thương hiệu gạo trên vùng luân canh tôm-lúa ở ven biển ĐBSCL” lần thứ 3, nhiều báo cáo tham luận  chặng đường xây dựng thương hiệu gạo thơm ở Sóc Trăng; kết quả thực hiện mô hình luân canh tôm-lúa ở các tỉnh: Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau; kinh nghiệm xây dựng thương hiệu gạo trên vùng luân canh tôm-lúa của các doanh nghiệp…

Các đại biểu cho rằng: Con tôm vẫn là chính, nhưng cây lúa có tác động rất lớn đến hiệu quả của vụ nuôi tôm. Do đó, trong phát triển cần tính đến yếu tố hài hòa lợi ích giữa tôm và lúa để đạt được mục tiêu giúp nông dân làm giàu trên chân ruộng lúa.

Xuân Trường (lược ghi)

Báo Cần Thơ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!