T2, 06/07/2020 10:09

Bỏ ân hạn nộp thuế nhập khẩu: Viễn cảnh thiếu vốn?

Chưa có đánh giá về bài viết

Nguồn nguyên liệu trong nước mới đáp ứng 60 – 70% nhu cầu chế biến xuất khẩu. Nếu không còn được hưởng ân hạn thuế nhập khẩu, doanh nghiệp sẽ thiếu vốn kinh doanh.

Gặp khó nhiều hơn

Nhiều doanh nghiệp (DN) nhập khẩu nguyên liệu đang hết sức lo lắng, không nhất trí Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) của Bộ Tài chính. Theo dự thảo sửa đổi, DN xuất nhập khẩu khi tham gia nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu phải nộp tiền thuế trước khi được thông quan hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng với mức hưởng ân hạn nộp thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản 275 ngày khi nhập để gia công.

Theo Bộ Tài chính, quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách ân hạn thuế để làm ăn gian dối, trốn thuế. Bộ này cũng cho rằng, quy định ân hạn thuế gây bất lợi cho hàng hóa sản xuất trong nước (không được hưởng ưu đãi này) so với hàng hóa nhập khẩu, từ đó không khuyến khích sử dụng, tiêu dùng hàng nội địa.

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho biết: Thủy sản Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng đang còn phụ thuộc nguồn nguyên liệu thủy sản nhập khẩu; dự thảo kể trên nếu được thông qua sẽ làm mất khả năng cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, cũng như sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các DN sản xuất và xuất khẩu trước tình hình thiếu vốn, thiếu nguyên liệu.

Theo Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe, việc quy định phải nộp thuế ngay với thuế suất nhập khẩu nguyên liệu thủy sản 5% hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng sẽ khiến hạn mức vay vốn bị cắt bớt, làm tăng chi phí hàng trăm tỉ đồng mỗi năm, kéo theo giá thành tăng 3 – 10% (tùy ngành hàng).

Ông Lê Hồng Sơn – Tổng giám đốc Công ty XNK Thuỷ sản Miền Trung nhìn nhận: Thời điểm này, nguồn vốn trở nên nóng hơn bao giờ hết; khó khăn về vốn, thị trường, nguồn nguyên liệu đầu vào… dồn DN tới chân tường. Nguyên liệu nhập khẩu chiếm 60 – 70% thị trường; để được hỗ trợ và bảo lãnh của ngân hàng về nguồn nguyên liệu nhập khẩu trước khi thông quan thì không phải DN nào trong nước cũng đáp ứng được yêu cầu trên. Vậy dự thảo này vô hình trung đẩy DN đến cửa tử.

Nguy cơ thiếu vốn kinh doanh, tạm ngừng sản xuất đang ám ảnh các doanh nghiệp thủy sản                              Ảnh: An Đăng

Mong được giải cứu

Nói như ông Nguyễn Tấn Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty Minh Phú, “DN sẽ hết vốn kinh doanh nếu không được hưởng thời gian ân hạn này nữa”. Một vị lãnh đạo VASEP cho rằng, dự thảo (kể trên) của Tổng cục Hải quan trình Bộ Tài chính về quy định ân hạn nộp thuế nhập khẩu nguyên liệu 275 ngày là vô lý, vì không chỉ thủy sản mà ngành da giày cũng chịu 80% từ nhập khẩu. Quy định này hạn chế nhập khẩu để xuất khẩu vào các ngành xuất khẩu tại Việt Nam, nếu áp dụng quy định này thì mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu gia công xuất khẩu với doanh số 10 – 12% sẽ chịu ảnh hưởng với tỷ lệ tương đương sản lượng xuất khẩu và ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hàng nghìn lao động. Nếu Nhà nước không đánh giá toàn diện vấn đề, chỉ từ một vài công ty trốn thuế mà áp dụng cho mọi DN thủy sản thì sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Trong tình hình khó khăn về nguyên liệu và vốn như hiện nay, nếu phải đối mặt vấn đề bảo lãnh vốn và tín dụng thì DN càng khó khăn về vốn, không thể tồn tại được, sẽ chết dần chết mòn.

Đại diện VASEP đề nghị bỏ nội dung dự thảo kể trên, để thời gian ân hạn 360 ngày thay vì 275 ngày đối với nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất; nguyên liệu thủy sản nhập khẩu cần được hưởng thuế suất 0%.           

 >> Ông Nguyễn Tấn Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty Minh Phú cho rằng: DN thủy sản hiện nay đã quá khó khăn. Hiện nay, nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng khoảng 60-70% nhu cầu chế biến xuất khẩu. Do đó cũng phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Chúng tôi sẽ hết vốn kinh doanh nếu không được hưởng thời gian ân hạn này.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!