Chúng tôi đến HTX Long Hưng, xã Hải Phú (Hải Lăng, Quảng Trị) vào thời điểm mùa mưa lũ đang đến gần. Long Hưng là HTX có diện tích nuôi cá khá lớn, năm 2012 có 35 ha, trong đó có 9,2 ha nuôi cá giống với 62 hộ tham gia chăn nuôi; là một trong 3 điểm sản xuất giống cá nước ngọt lớn nhất của tỉnh, hàng năm sản xuất khoảng 5 triệu cá giống các loại như trắm cỏ, mè, rô phi, chép…
Sau mỗi mùa mưa lũ, đây là nơi cung cấp cá giống chủ yếu cho các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh. Do vậy, công tác đảm bảo an toàn cho hồ đập trong mùa mưa lũ được HTX chú trọng thực hiện.
Ông Văn Quang, thôn Long Hưng cho biết: “Kinh nghiệm những năm qua cho thấy, do thực hiện tốt khâu chuẩn bị phòng chống nên khi bão lũ xảy ra ít gây thiệt hại cho các hộ nuôi, đặc biệt là đảm bảo an toàn cá giống cho vụ sau”.
Gắn bó với nghề nuôi cá hơn 10 năm, trước mùa mưa bão, ông Quang luôn tuân thủ nghiêm túc việc triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn cho trên 1 ha ao nuôi. Đối với các ao cá giống ông đóng cọc cẩn thận và rào lưới cao từ 1-1,5 m để bảo vệ cá khi nước lũ tràn qua, các đê xung yếu đều được gia cố thêm bằng bao cát để phòng chống vỡ đê. Đối với các ao cá thịt ở vùng thấp trũng ông Quang xuất bán sớm trước tháng tám âm lịch để phòng chống lũ…
Các hộ nuôi cá ở HTX Long Hưng (Hải Phú, Hải Lăng) giăng lưới bảo vệ cá giống trong mùa mưa lũ
Theo ông Trần Quang Hậy, Chủ nhiệm HTX Long Hưng, khâu đảm bảo an toàn hồ ao nuôi trong mùa mưa lũ luôn được HTX xác định là nhiệm vụ quan trọng. Ngay từ đầu tháng 9 hàng năm, HTX triển khai cho các hộ xã viên chủ động kiểm tra và tu bổ lại đê bao đảm bảo chắc chắn để giữ được nước. Thực hiện gia cố, đóng cọc ở những vùng đê xung yếu. Chuẩn bị lưới, đăng chắn xung quanh các ao hồ để không cho cá thoát ra ngoài khi có lũ. Phát quang các cành, cây xung quanh bờ để tránh lá rơi vào ao gây ô nhiễm ao nuôi. Chuẩn bị sẵn sàng máy bơm để hỗ trợ các hộ thực hiện tiêu nước khi cần thiết. Đối với các ao hồ nước đọng, HTX khuyến khích các hộ xây dựng hệ thống mương tưới, tiêu, thay đổi nước thường xuyên sau lũ, đảm bảo không để dịch bệnh xảy ra đối với cá.
Tính đến nay, tổng diện tích ao hồ nhỏ toàn tỉnh là 1.667 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh và Hải Lăng, sản lượng thủy sản đạt trên 2.500 tấn. Tổng diện tích nuôi cá-lúa là 360 ha, sản lượng đạt 387 tấn; diện tích mô hình cá-lúa-lợn là 61 ha. Đối với diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ: diện tích nuôi tôm sú là 332,4 ha, sản lượng đạt 568,3 tấn; diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 532,5 với sản lượng đạt trên 4.300 tấn.
Để đảm bảo an toàn trong nuôi trồng thủy sản, trước mùa mưa bão, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai nhiều biện pháp giúp người dân chủ động phòng chống bão lũ, đảm bảo an toàn với diện tích nuôi. Rút kinh nghiệm từ các năm trước, ngay từ đầu năm 2012, ngành nông nghiệp đã tích cực phối hợp với các địa phương chỉ đạo nhân dân áp dụng nghiêm túc các biện pháp phòng chống bão lũ, đặc biệt là những vùng trọng điểm sản xuất giống cá, đảm bảo tốt nguồn giống cho sản xuất vụ sau.
Theo đó, nhiều biện pháp đã được triển khai đối với từng đối tượng nuôi cụ thể. Chẳng hạn như với các hộ nuôi tôm ven sông cần theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn và diễn biến bão lũ. Khuyến khích các hộ nuôi tôm cần kiểm tra, gia cố lại bờ đê, sửa chữa, giằng néo lại các chòi canh cũng như các công trình phụ khác đảm bảo chắc chắn, bổ sung chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi. Ngoài ra, các chủ ao nuôi cần củng cố bờ vùng, đăng cống, lưới và dự trữ cọc tre, bao cát để chủ động đối phó khi có mưa lũ xảy ra…
Trong nuôi cá nước ngọt ở vùng thấp trũng, ngành nông nghiệp khuyến khích người dân thu hoạch cá trước ngày 30/8 hàng năm để tránh thiệt hại do thiên tai gây ra. Riêng các vùng nuôi cá giống buộc phải duy trì giống tiếp tục sản xuất vụ sau nên áp dụng các biện pháp chống tràn, làm lưới chắn để giữ cá giống.
Khi mưa lũ xảy ra, phải tiến hành kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi để có các giải pháp điều chỉnh phù hợp như: bón vôi để ổn định môi trường, điều chỉnh màu nước, hoặc có thể thay nước khi cần thiết. Đối với nuôi lồng bè trên sông, trước mùa mưa bão cần gia cố lồng vững chắc, di chuyển đến nơi an toàn, kín gió, có dòng chảy nhẹ nhằm tránh vỡ lồng khi bão, đồng thời vệ sinh lồng sạch và thoáng để nước thoát nhanh, không làm vỡ lồng.
Ngoài việc triển khai các biện pháp ứng phó với mưa bão, tất cả các hình thức nuôi trồng thủy sản và đối tượng thủy sản người dân cần sắp xếp lịch thời vụ một cách phù hợp nhất nhằm khắc phục và hạn chế ảnh hưởng của thiên tai, nhất là các vùng ven sông, vùng trũng, từ đó hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT cho biết: “Ngoài việc triển khai các biện pháp phòng chống bão lụt trong nuôi trồng thủy sản đối với các địa phương, ngành cũng đã tích cực kết hợp kiểm tra các vùng trọng điểm sản xuất giống để có sự chỉ đạo kịp thời, đảm bảo nguồn giống thủy sản cho sản xuất vụ sau. Đến thời điểm này, đa số diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống lụt bão, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra”.