(TSVN) – Những loài cá vây nuôi ở nước ngọt như rô phi hay cá tra/cá da trơn, cũng như nhiều đối tượng cá vây nước mặn “mới nổi” gần đây được đánh giá sẽ trở thành những cú hích cho sự tăng trưởng của ngành NTTS toàn cầu.
Tại sự kiện GOAL 2020, các chuyên gia phân tích thủy sản của Rabobank nhấn mạnh: Trong lĩnh vực NTTS, các loài cá trên chính là những đối tượng có tiềm năng tăng trưởng nhất trong vài năm tới. Sự tăng trưởng ấy được ghi nhận cả về khối lượng và giá trị trên phạm vi toàn cầu.
Liên minh NTTS toàn cầu (GAA) đã thực hiện khảo sát trên các trang trại nuôi cá để thu thập dữ liệu về tình hình sản xuất cá vây toàn cầu, trong đó có cá tra. Dù còn gặp nhiều vấn đề liên quan đến dữ liệu, nhưng đến nay, Việt Nam vẫn được xem là quốc gia nuôi và xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới, nhưng cá tra Việt ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu.
Trên tổng sản lượng cá tra toàn cầu, thị phần Việt Nam đang giảm, trong khi thị phần của Indonesia, Ấn Độ và Bangladesh tăng khá nhanh. Mỗi quốc gia này hiện chiếm 15 – 20% sản lượng cá tra nuôi toàn thế giới. Dù ngành cá tra Việt Nam năm 2020 được dự báo sẽ đi xuống nhưng sẽ phục hồi rất nhanh sau đó vào năm 2021 về mức tăng trưởng tương tự năm 2019 cùng sản lượng rất khả quan 1,4 triệu tấn và thị trường tiêu thụ mới tiềm năng hơn như Trung Quốc. Ngành cá tra Ấn Độ cũng đang tăng trưởng, nhưng tốc độ tương đối chậm; ngành cá tra Indonesia khó diễn giải về mặt dữ liệu khi trước đây tăng trưởng nhưng dữ liệu từ khảo sát gần đây lại cho thấy tốc độ tăng trưởng đã chậm lại. Tuy nhiên, Bangladesh lại trở thành một điểm sáng với ngành NTTS đa loài và tốc độ tăng trưởng cực kỳ ấn tượng. Ngành cá tra của nước này cũng đạt tăng trưởng tốt như ngành tôm với tỷ lệ 17% và dự kiến còn tiếp tục tăng cao. Cũng tương tự như vậy, sản lượng cá tra của Myanmar trên thực tế còn cao hơn so dữ liệu thống kê của FAO.
Dựa trên các khảo sát của GAA, sản lượng cá tra toàn cầu ước đạt 2,7 triệu tấn vào năm 2020 (trừ Trung Quốc). Sau tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của ngành cá tra toàn cầu đạt 5% từ năm 2010; tới năm 2019, tốc độ tăng trưởng giảm 1% và giảm tiếp 7% vào năm 2020 nhưng lại kỳ vọng tăng 11% vào năm 2021. Trung Quốc không được thống kê bởi họ không báo cáo con số sản lượng cá tra cho FAO; nhưng dữ liệu khảo sát của GAA cho thấy, tổng sản lượng của Trung Quốc sẽ góp phần nâng sản lượng toàn cầu lên trên 3 triệu tấn vào năm 2020 và sản xuất cá tra của Trung Quốc cũng dự báo tăng trưởng ấn tượng vào năm 2021. Sẽ khó khăn hơn cho các doanh nghiệp cá tra Việt coi trọng thị trường Trung Quốc, bởi trong thời gian tới đây sẽ là một thị trường cạnh tranh khá gay gắt. Tuy nhiên, tăng trưởng sản lượng tại các nước đối thủ có thể nhanh hơn, nhưng phần lớn sẽ chỉ tiêu thụ được ở nội địa. Vì vậy, Việt Nam vẫn là quốc gia cung cấp cá tra quan trong nhất của thế giới.
Chuyên gia phân tích ngành thủy sản, Rabobank