Hàng loạt chi phí liên quan đến hàng xuất khẩu thuỷ sản của doanh nghiệp đang tăng cao trong những ngày đầu năm 2021 khiến doanh nghiệp lo lắng.
Không chỉ tăng các loại cước, phí vào thời điểm những tháng cuối năm 2020, bắt đầu vào năm 2021, cước phí tàu biển tiếp tục tăng phi mã. Bên cạnh đó, nhiều chi phí đầu vào cho sản xuất, chế biến thủy sản cũng đua nhau tăng chóng mặt khiến các doanh nghiệp thủy sản đang “đứng ngồi không yên”
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thủy sản, tháng 1/2021, cước tàu đi EU đã tăng từ 145 – 276% (tùy theo cảng). Nếu như, tháng 12/2020, giá cước cảng chính là 2.850 USD/container thì bước sang tháng sau đã tăng lên 7.000 USD/container (tăng 145%), một số hãng cũng tăng từ 2.800 USD/container lên 10.550 USD/container (tăng 276%).
Mặc dù tỷ lệ tăng không lớn như EU, nhưng giá cước tàu đi Mỹ vốn đã cao thì nay tiếp tục tăng cao hơn nữa: giá cước vận chuyển đi các cảng bờ Tây tăng 14%, từ mức 3.500 USD/container trong tháng 12/2020, tăng lên 4.000 USD/container vào tháng 1/2021; giá cước vận chuyển đi bờ Đông cũng tăng từ 14-19%, 4.900 USD/container lên 5.600 – 5.850 USD/container. Giá cước tàu đi Nhật Bản cũng tăng từ 50 – 100 USD/container.
Nhiều chi phí tăng, khiến doanh nghiệp thuỷ sản khó khăn. Ảnh: T.H.
Bên cạnh chi phí vận chuyển hàng xuất khẩu tăng cao, nhiều chí phí khác phục vụ cho chế biến, xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản cũng tăng cao kể từ đầu năm nay.
Cụ thể, các mặt hàng thiết yếu và chính phục vụ cho hoạt động của các nhà máy cũng tăng từ 8-25%. Điển hình như, giá mặt hàng găng tay cao su, nhựa trong tháng 1/2021 đã tăng từ 8-9% so với tháng trước; băng keo tăng 15%. Lượng lớn bao bì để đóng gói hàng giá cũng tăng từ 7 – 9,8%.
Bên cạnh đó, trong tháng 12/2020, giá sản phẩm dầu nành đã tăng 10%, sang tháng 1/2021 lại tăng thêm 9% nữa. Một số mặt hàng hóa chất vuông tôm, như: clorine trong vòng 3 tháng (tháng 8/2020 – 1/2021) đã tăng 3,6%, trung bình 1.230 USD/tấn lên 1.274 USD/tấn. Một số sản phẩm hóa chất khác như: CaCl2 (Calcium chloride) tăng 20%; MgCl2 (Magie clorua) tăng 25%; oxy viên cũng tăng từ 15.800 đ/kg lên 17.250 đ/kg (tăng gần 10%).
Trong năm 2020, do việc thay đổi hệ số điều chỉnh giá đất làm căn cứ tính tiền thuê đất đã đẩy giá thuế đất của doanh nghiệp từ 2-4 lần so với trước. Ngoài ra cuối năm ngoái, đề án thu phí sử dụng công trình khu vực cửa khẩu, cảng biển tại TPHCM được thông qua, tuy mức phí không lớn nhưng lại có tác động dây chuyền rất lớn tới các DN về mọi mặt. Nhân thời điểm và cơ hội này, các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng, logistic có cớ đua nhau “thổi” giá. Việc tăng phí tàu biển cũng là một trong những phản ứng mang tính hiệu ứng domino này.
Theo đánh giá của VASEP, đại dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng nặng nề tới nhiều nền kinh tế lớn, nhiều nhà nhập khẩu và xuất khẩu đang phải động viên và chia sẻ nhau khó khăn để vượt qua. Doanh nghiệp thủy sản đang cố gắng duy trì việc làm cho hàng ngàn lao động tại các nhà máy chế biến.
Nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường lớn tới đầu năm 2021 vẫn còn ẩn chứa nhiều bấp bênh, công suất nhà máy cũng đã phải giảm đáng kể theo các đơn hàng. Chỉ còn ít ngày nữa sẽ tới kỳ nghỉ tết Nguyên đán, các doanh nghiệp thủy sản vẫn đang nỗ lực hết sức nhằm đẩy mạnh đơn hàng, đảm bảo trả lương, chăm lo đời sống cho người lao động trước nghỉ lễ. Tuy nhiên, những chi phí sản xuất đang đội lên lại chồng chất thêm khó khăn cho các doanh nghiệp thủy sản. Đây sẽ là thách thức rất lớn, khó có thể vượt qua đối với doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay nếu không có sự chung tay chia sẽ của các cơ quan quản lý, cũng như các bên có liên quan.