(TSVN) – Không còn cảnh hàng hóa ra vào nườm nượp như mọi khi, chợ thủy sản Peterhead – một trong những chợ cá sầm uất nhất châu u trở nên đìu hiu và được ví như một thành phố ma sau Brexit.
Ông James Withers, Giám đốc điều hành Scotland Food and Drink, cho biết trước đây, thậm chí suốt giai đoạn cao trào của đại dịch Covid-19, vẫn có hàng ngàn thùng hàng ra vào chợ cá Peterhead tại Aberdeenshire mỗi ngày. Thế nhưng sau khi Anh rời EU, lượng hàng vào chợ nhỏ giọt dần chỉ còn vài trăm thùng. Giờ đây, cả khu chợ vắng tanh, còn lác đác vài thùng hàng hóa.
Hầu hết các nhà xuất khẩu đều chật vật và khổ sở. Nhiều hãng kinh doanh thủy hải sản đã tập trung hàng dài xe tải để biểu tình phản đối thỏa thuận thủy sản Brexit mới tại trung tâm London vào ngày 18/1/2021. Các tàu khai thác đến nhà xuất khẩu thủy sản đều bức xúc trước thỏa thuận mới này. Theo đó, Anh và EU đã đồng ý đảm bảo quyền tiếp cận và ra vào vùng biển của nhau từ ngày 1/1/2021; tuy nhiên, cả hai bên chưa thống nhất được một thỏa thuận chung và hệ thống cấp phép. Điều này cho thấy, Brexit là một cú sốc lớn đối với toàn hệ thống ngành thủy sản châu Âu và chuỗi cung ứng xuất khẩu.
Cánh cửa tới thị trường châu Âu của rất nhiều hãng xuất khẩu thủy sản bị đóng sập lại, tạo ra hiệu ứng dây chuyền lên chuỗi cung ứng; hàng loạt tàu cá phải nằm bờ tại các cảng biển, không thể ra khơi khai thác, chợ cá vốn sầm uất người mua kẻ bán nay vắng tanh. Đây thực sự là một cuộc khủng hoảng đối với các nhà xuất khẩu thủy sản, ngư dân và cả những nhà xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm khác, ông James Withers bức xúc.
Người phát ngôn Chính phủ Anh cho biết: “Chúng tôi nhận thấy ngành thủy sản đang đối mặt vài khó khăn tạm thời sau Brexit. Chính phủ sẽ cân nhắc các khoản hỗ trợ tài chính để giúp doanh nghiệp khắc phục phần nào khó khăn trên”.
Tuy nhiên, doanh nghiệp thủy sản Anh cho rằng khoản hỗ trợ tài chính chỉ giúp họ khắc phục được một phần thiệt hại. Chỉ tính riêng lượng thủy hải sản xuất khẩu từ Scotland sang châu Âu hàng năm đã lên tới 750 triệu bảng Anh. Sau Brexit, hàng thủy sản từ Anh sang châu Âu gặp nhiều trở ngại hơn, có thể do EU đã mất đi nhiều lợi ích về khai thác thủy sản sau thỏa thuận Brexit. Rất nhiều khách hàng châu Âu muốn mua hải sản nhưng doanh nghiệp tại Anh không thể đáp ứng và ngược lại. Rủi ro này tiếp tục lan sang các hàng hóa khác, không riêng thủy hải sản.
Các doanh nghiệp thủy sản và ngư dân cho rằng điều họ cần lúc này là một cuộc đối thoại trực tiếp với Ủy ban châu Âu (EC), cần một khoảng thời gian ân hạn cho xuất khẩu thủy sản và các hàng hóa khác giữa hai bên; từ đó, nhà quản lý hai bên có thể cân nhắc việc điều chỉnh hoặc đơn giản hóa hệ thống hành chính, tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động xuất, nhập khẩu.