(TSVN) – Về mặt tiềm năng, có thể khẳng định biển nước ta giàu và đẹp, có hơn 3.000 đảo lớn nhỏ, tập trung ở vùng biển ven bờ và các vùng biển ngoài khơi thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.
Cảnh quan vùng ven biển và các đảo phong phú, đa dạng và nhiều kiểu loại, đặc biệt có một quần thể khoảng 2.400 đảo đá vôi lớn nhỏ phân bố trong phần nam vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), các quần đảo: Cát Bà, Đầu Bê và Long Châu (TP Hải Phòng) chứa đựng các giá trị ngoại hạng toàn cầu, độc đáo. Cho nên, vùng biển quần thể đảo đá vôi này được xác định là vùng biển đặc biệt quan trọng về mặt sinh học và sinh thái học (EBSA) đáp ứng 7 tiêu chí của Công ước Đa dạng sinh học (CBD, 1994).
Mỗi hòn đảo quý giá như một “thỏi bạc lớn”, cũng là một “cột mốc chủ quyền” tự nhiên và là một “chiến hạm” không thể đánh chìm trên vùng biển của đất nước. Không ít đảo/cụm đảo có lợi thế địa lý, có thể xây dựng thành các trung tâm kinh tế đảo với cơ sở hậu cần nghề cá và dịch vụ biển xa hiện đại, giúp Việt Nam tiến ra đại dương, hội nhập với thế giới. Bên cạnh các giá trị cảnh quan nổi, nhiều đảo/cụm đảo ở vùng biển nước ta còn quy tụ các hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi hải sản (rạn san hô, thảm cỏ biển, đáy cứng, rừng ngập mặn…), đối với phát triển nghề cá bền vững và du lịch sinh thái biển. Trên đảo có các làng cá, di tích văn hóa và lịch sử “thuần Việt” phản ánh “văn hóa vạn/làng chài” và “văn minh biển cả,” hay có thể gọi chung là “văn hóa ứng xử biển cả”, góp phần đem lại các giá trị cho một nghề cá giải trí và du lịch lặn (diving tourism) triển vọng. Như vậy, bên cạnh kinh tế biển (Ocean economy), nước ta còn có tiềm năng lớn đối với phát triển các ngành kinh tế dựa vào biển (Ocean-based economy) như “Kinh tế đảo” và “Kinh tế ven biển”. Kéo theo 3 lĩnh vực kinh tế quan trọng này là lĩnh vực kinh tế liên quan tới biển (Ocean-related economy), như các dịch vụ: Đóng tàu, dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn và chế biến thủy sản…
Nhiều đảo là vậy, nhưng đến nay chúng ta mới chỉ có 10 huyện đảo ven bờ và 2 huyện đảo ngoài khơi (Trường Sa, Hoàng Sa). Trong 10 huyện đảo ven bờ, mới có 66 đảo có người sinh sống, tỷ lệ rõ ràng còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Điều này cho thấy, người Việt vẫn “bám lấy bờ” nhiều hơn là “bám biển”, dù xa xưa cha ông ta đã từng sinh sống ở hai huyện đảo xa bờ Hoàng Sa và Trường Sa. Từ cổ xưa đến hôm nay, “công dân biển” nước ta đại đa số vẫn là ngư dân sống dọc ven biển và trên các đảo với bản chất là bám biển, bám đảo. Sau này, theo tiến trình phát triển đất nước, đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn các công dân biển khác, như: lực lượng lao động trong ngành hàng hải mà biển đối với họ chỉ là “con đường đi qua”, du khách thì đến với biển như những người “khách vãng lai”; còn lao động dầu khí thì biển chỉ là “điểm đóng quân” ở các vùng mỏ…
Thực tế, ngư dân sống nhờ biển bạc, nhưng vẫn còn nghèo khó; khả năng “tích tụ dân số” biển, đảo và vùng ven biển thấp, không đồng đều và mang tính tự phát; thiếu các nguồn đầu tư lớn vào các mảng không gian biển, ven biển và đảo quan trọng này. Điều này đồng nghĩa với việc chưa đánh thức đúng tầm các giá trị của biển, đảo và vùng ven biển; không tạo được liên kết biển – bờ trong bình đồ chiến lược phát triển biển, đảo của đất nước. Vì thế, vấn đề sử dụng hiệu quả và bền vững ba mảng không gian nói trên đang được Chính phủ quan tâm thông qua việc chỉ đạo triển khai xây dựng “Quy hoạch không gian biển quốc gia” theo quy định của Luật Quy hoạch (2017). Theo đó, “không gian đô thị biển” cần phải được đặt vào vị trí xứng đáng trong bình đồ quy hoạch không gian biển trong thời gian tới, ít ra cũng đến năm 2030 với tầm nhìn đến năm 2045.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam