(TSVN) – Năm 2020 đầy bất ổn đã đi qua. Kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước vẫn tăng khoảng 15% so năm 2019. Mức tăng trưởng cao này càng có ý nghĩa trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tàn phá kinh tế thế giới, khiến bao quốc gia có tăng trưởng âm, trong đó có các cường quốc nuôi tôm.
Điểm lại mùa tôm năm 2020 chúng ta sẽ thấy có một số điểm cần lưu ý và cũng để thấy hết ý nghĩa của con số 15% tăng trưởng. Đó là tình hình thời tiết thất thường, sau hạn hán xâm nhập mặn gay gắt, kéo dài là liên tiếp trên chục cơn bão; là bệnh vi bào tử trùng và phân trắng tấn công tôm nuôi mạnh mẽ; rồi dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu khiến việc tiêu thụ tôm trở nên khó khăn, giá theo đó cũng lên xuống thất thường nhiều thời điểm trong năm…
Tuy nhiên, tác động mạnh nhất phải kể đến đó là từ đại dịch COVID-19 khi nó khiến thu nhập người dân bị giảm sút cùng tâm lý âu lo, người tiêu dùng chú trọng sản phẩm có giá cả phù hợp túi tiền, dẫn đến tôm cỡ nhỏ lên ngôi, hút hàng.
COVID-19 đã không lãng quên quốc gia nào, nhất là quốc gia chủ quan, coi nhẹ phòng dịch hoặc có cơ sở hạ tầng y tế yếu kém. Các cường quốc nuôi tôm như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia… rơi vào khó khăn do chuỗi cung ứng nuôi tôm bị gãy hoặc gián đoạn bởi COVID-19. Ấn Độ có mức sụt giảm tôm nuôi mạnh nhất với 20 – 30% và các cường quốc còn lại, không nước nào có mức sản lượng cao như năm cũ. Trong bối cảnh này, tôm Việt đã phục hồi ở thị trường Mỹ, thay thế số thiếu hụt nguồn cung từ Ấn Độ. Không những vậy, tôm Việt cũng đã tăng trưởng trở lại ở EU nhờ EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 và một phần cũng nhờ sự giảm sút từ Ecuador… Sự tăng trưởng mạnh mẽ ở hai thị trường này là bệ đỡ cho ngành tôm Việt 2020 đạt con số ngoài kỳ vọng.
Nếu yếu tố khách quan hình thành từ hệ quả tất yếu của cung cầu cục bộ, ngắn hạn như COVID-19 thì yếu tố chủ quan chính là sự kiên trì của đội ngũ nhà chế biến, sự cần mẫn của người nuôi tôm và sự tác động không nhỏ nhưng tích cực và hữu hiệu từ các mắt xích trong chuỗi giá trị con tôm; như các doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, chế phẩm nuôi tôm, thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để hình thành các nhóm học hỏi về kỹ thuật nuôi tôm, như kênh của OPS, kênh thủy sản Bạc Liêu trên youtube…
Lớn lao hơn, với quan điểm kinh doanh không chỉ bằng chất lượng mà còn bằng kỹ thuật, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã và đang xây dựng hệ thống đại lý kiểu mẫu trở thành những điểm sáng thu hút các hộ nuôi tham gia. Bên cạnh C.P, hầu hết các doanh nghiệp cung ứng trong chuỗi đều có chương trình hỗ trợ tốt nhất đến người nuôi, từ nhà cung ứng thức ăn, con giống đến các chế phẩm phục vụ nuôi tôm. Ví dụ khi tôm nuôi bị vi bào tử trùng hoành hành, Grobest cung cấp ngay thức ăn có cơ cấu dinh dưỡng mới hỗ trợ tôm tốt nhất vượt qua khó khăn… Lâu dài, các doanh nghiệp này xây dựng cơ sở ngay vùng nuôi để giúp người nuôi giảm thiểu chi phí và nhận hàng hóa nhanh nhất.
Tóm lại, thời gian qua, trong lúc “tự bơi”, người nuôi tôm đã có sự hỗ trợ đáng kể từ các doanh nghiệp cung ứng; trong tương lai, mối liên kết này sẽ tốt hơn, bởi sẽ có lợi cho cả đôi bên.
COVID-19 năm 2020, trong nguy nhưng ngành tôm đã có cơ. Cơ hội đó là các cường quốc tôm bị gián đoạn chuỗi cung ứng. Nhờ Chính phủ có tầm nhìn và sách lược phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, ngành tôm Việt Nam yên ổn phát triển và có sự tăng trưởng cao. Còn nếu nhìn về phía trước, có thể xem đây là thời cơ tốt để nâng tầm ngành tôm Việt. Theo nhận định, thế giới trở lại bình ổn sau khi có đủ vaccine COVID-19 và người dân ổn định tâm lý. Sẽ phải mất khoảng 4 năm cho kỳ vọng này và bất lợi của đối thủ là thuận lợi của mình, nên xem đây là quãng thời gian vàng để ngành tôm toan tính vượt lên các đối thủ.
Cùng với đó, khi Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn 2045, với hệ thống giải pháp lĩnh vực nuôi tôm sẽ có thuận lợi hơn trong tương lai, tạo dòng chảy mạnh để tôm Việt “bơi” lên kệ các hệ thống phân phối cao cấp, tăng sức cạnh tranh ưu thế hơn hẳn, nâng cao giá cả mua bán cũng như cơ hội nâng tầm tôm Việt.
Các doanh nghiệp chế biến lớn hình thành mới, các doanh nghiệp hiện có đang mở rộng quy mô sản xuất… phát triển khá tốt, nhất là tại Sóc Trăng, sẽ góp phần nâng cao công suất chế biến chung, bảo đảm đồng bộ với phát triển nuôi tôm. Uy tín thương hiệu tôm Việt khá tốt, nhất là ở thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Tổng quan, tôm Việt đang có uy tín tốt ở các thị trường lớn đang thâm nhập, chỉ có điểm bất lợi là giá cả tôm của chúng ta có cao hơn so sản phẩm tương đồng của các đối thủ. Cùng với đó, các doanh nghiệp còn lại trong chuỗi như con giống, thức ăn, chế phẩm… ngày càng có kinh nghiệm và giải pháp thiết thực phối hợp người nuôi để tăng tỷ lệ thành công, bảo đảm người nuôi có lãi và mức lãi tăng dần…
Thông qua sự tương tác của các mắt xích đó và nhìn trên diện rộng có thể thấy, ngành tôm Việt đang vào giai đoạn thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thiên thời là từ COVID-19 cho ngành tôm ta cơ hội bứt phá vì các đối thủ lớn đang khó khăn. Địa lợi là các mắt xích chuỗi giá trị con tôm đang chung tay chia sẻ tốt nhất so trước đây và trên đà tiến triển. Nhân hòa là Chính phủ, lãnh đạo ngành ngày càng quan tâm hơn con tôm, có sự đầu tư và hỗ trợ kịp thời, tốt hơn. Do vậy, từ cơ hội do COVID-19 mang lại, cộng với sự chuẩn bị từ Chính phủ, ngành; sự tham gia chia sẻ của các mắt xích chuỗi giá trị con tôm sẽ là cơ hội vàng để ngành tôm tôm Việt bứt phá, là cơ hội để chung tay nâng tầm tôm Việt.
Hy vọng nhận định trên là đúng, để xuân năm sau chúng ta chia sẻ, chung vui với những thành quả cao hơn; để mọi mắt xích trong chuỗi đều hân hoan hơn… tôm Việt sẽ phát triển ổn định và bền vững hơn.
Hồ Quốc Lực
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta