Nuôi cá lồng thời ô nhiễm

Chưa có đánh giá về bài viết

Người nuôi cá lồng trên sông Hồng đang phải gồng mình chống đỡ trước cảnh nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm. Cá chết nhiều. Người chạy vạy xoay tiền đầu tư tiếp, người phá sản do nợ nần chồng chất.

“Chẳng mấy chốc mà tan!”

Xã Thái Liên (huyện Bảo Thắng) được xem là vùng nuôi cá lồng duy nhất của tỉnh Lào Cai. Ai ở đây cũng than phiền, nguồn nước chảy từ thượng nguồn về đen ngòm, mùi hôi thối nồng nặc; nhiều hôm cá chết trong lồng nổi trắng mặt nước.

Bè cá trên sông Hồng đoạn Lào Cai đang bị ô nhiễm trầm trọng

Anh Phạm Đức Toản, người khởi xướng nuôi cá bè trên sông Hồng, hiện có bè cá dưới chân cầu Lu, thị trấn Phố Lu. Năm 2009, Toản bỏ vốn hơn 100 triệu đồng đầu tư lồng bè với diện tích gần trăm m2, với 6 lồng chủ yếu nuôi cá lăng và chiên. Tiếp đến, anh bỏ ra hơn 80 triệu đồng tiền giống. Năm đó nước sông Hồng sạch, thuận lợi nuôi cá lồng. Toàn kể, chỉ riêng năm 2009, thu hoạch mẻ đầu tiên cũng hốt về đống bạc, từ cá chiên, cá lăng bán với giá rất đắt. Tin lành đồn xa, có nhiều người đến nhờ Toản truyền kinh nghiệm; và rồi ở đây có cả chục hộ nuôi.

Thời hoàng kim ấy qua rồi. Giờ đây, khi nhắc đến chuyện nuôi cá lồng thì Toản buồn rầu: “Nước sông Hồng nay không còn đỏ nặng phù sa nữa, thay vào đó là màu xanh đục của ô nhiễm”. Vừa nói, Toản vừa kéo ống quần lên, chỉ vào các nốt ngứa đỏ khắp người để dẫn chứng. Trước kia nước sông chưa bị ô nhiễm, ngày nào anh cũng ngâm mình dưới lồng cá, vậy mà giờ rất ngại đụng tay xuống nước, ngay cả một vài phút, vì sợ cả đêm ngứa không ngủ được. Nước sông bốc mùi hôi thối đồng nghĩa với việc cá chết nổi đầy lồng. Theo Toản, cá chết nhiều nhất cuối năm ngoái. Khi ấy nước sông cạn, mặt nước nổi váng thời gian dài, cá chết hàng loạt. “Nhà tôi chủ yếu nuôi cá chiên và cá lăng, khi đó nước sông thối đến nỗi vợ chồng tôi không thể ở dưới thuyền, phải lên bờ trú ngụ. Cá chết nổi trắng lồng cũng chẳng buồn vớt, chủ yếu là cá giống và cá thịt. Có con nặng 4 kg cũng không thể chịu được dòng nước đen này, năm đó thiệt hại gần 100 triệu đồng” – Toản thở dài.

Bè cá lồng của Nguyễn Văn Thanh (thôn Quyết Tân, xã Thái Liên, huyện Bảo Thắng), khi chúng tôi đến cũng là lúc Thanh đang hụp vớt những con chết quăng lên bờ. Nuôi cá trên sông 3 năm nay, nhưng chỉ một năm có lãi, còn 2 năm phải vay mượn mới có vốn quay vòng. Thanh kéo lưới đang thả dưới sông lên cho chúng tôi xem. Tay lưới này mới thả được ba giờ mà váng đen đã bám chặt mắt lưới, đến nỗi nước không thoát ra được. Theo Thanh, chưa năm nào nước sông Hồng bẩn thế này, lồng cá của anh giờ chỉ dám nuôi cầm chừng vài chục con còn sót lại chứ chẳng dám đầu tư thêm.

Chỉ tay về các lồng cá cách đó không xa, Thanh nói: “Đến bất cứ lồng cá nào cũng cảm nhận được mùi thối của nước và thấy cá chết nổi hàng loạt”. Cầm mấy con cá chiên chết trên tay, Thanh nhẩm tính: “Hai loại cá này trên thị trường đang bán 200 – 250 ngàn đồng/kg. Mỗi ngày chỉ cần chết dăm con cá cỡ dăm lạng đã mất gần triệu đồng, lồng cá chẳng mấy chốc mà… tan”.

 

Nợ và nợ

Hầu hết người dân Thái Liên khẳng định: “Nuôi cá thời ô nhiễm này không nợ mới lạ”. Dẫu gắng chịu mùi nước hôi thối, người ghẻ lở, cá nuôi chết hàng loạt…, nhưng để có một bè cá lồng, riêng tiền lồng bè đã cả trăm triệu đồng, chưa kể tiền cá giống, công chăm sóc….

Đầu tư nuôi cá lồng, gia đình Nguyễn Văn Thanh phải vay vốn với lãi suất cao. Thuộc số hộ nuôi ít nhất vùng này, song đến nay gia đình Thanh vẫn nợ gần trăm triệu đồng. Cá chiên, cá lăng chết nhiều, phải chuyển sang trắm. Theo Thanh, sở dĩ vậy vì cá trắm ăn tạp có thể sống được trong môi trường nước như hiện tại. Biết giá trị không cao, song nhiều gia đình nuôi cá lồng vẫn đang phải chuyển sang nuôi cá trắm, hi vọng vớt vát phần nào.

Cá nuôi chết nhiều, Nguyễn Văn Thanh buồn so

Thanh kể: “Ngày nước sông chưa bị ô nhiễm, dân làng đã rục rịch chọn chỗ đặt lồng nuôi cá, nhiều hộ đã sắm đủ thùng phuy, lồng sắt… đến khi nước bẩn tràn về, cá chết nhiều, khiến họ bỏ luôn ý định nuôi cá, chấp nhận mất số vốn ban đầu. Cũng còn may, nếu không bây giờ cả xã từ chỗ mộng cá đẻ vàng lại chuyển sang… vàng mắt, như những hộ nuôi cá lồng hiện nay”.

Người đánh bắt cá trên sông Hồng cũng rơi lâm cảnh tương tự. Khoảng ba năm trước, sông Hồng được xem là nguồn thủy sản phong phú. Sớm tối, lúc nào cũng có nhiều người thả lưới, kéo chài, xúc hến. Nhiều gia đình khấm khá nhờ  thủy sản sông Hồng. Nhiều người đầu tư thuyền máy 40 – 50 triệu đồng đi đánh cá.

Điển hình là Nguyễn Văn Tuấn (ở Phố Lu). Hai năm trước, khi cá chiên đắt giá, Tuấn vay nhiều nơi, được 40 triệu đồng, mua một thuyền máy. Thời gian đầu thả lưới cũng có đồng ra đồng vào, có ngày được cả triệu đồng. Cứ tưởng chẳng mấy sẽ trả được cả gốc lẫn lãi. Nhưng đã mấy tháng nay, sông “hết cá” (?!), đánh bắt cả ngày mà chẳng đủ tiền mua dầu máy, Tuấn đành treo thuyền. Do treo lâu, nhiều bộ phận đã hỏng, Tuấn đang sửa và tính bán. “Tôi hy vọng bán được khoảng 15 triệu đồng, trả nợ rồi xuôi Hà Nội làm thuê kiếm sống, chứ bám vào sông nước ô nhiễm thế này chỉ có chết đói” – Tuấn nói.   

>>  Trung tâm Thủy sản Lào Cai cho biết: Mấy năm nay, cá sông Hồng chết nhiều do ô nhiễm, nguồn thuỷ sản (nhất là cá, tôm) trên sông Hồng đang cạn kiệt. Nước sông Hồng ô nhiễm còn ảnh hướng nhiều đến một số vùng nuôi trồng thuỷ sản.

Đắc Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!