(TSVN) – Ngành thủy sản châu Á từng đưa ra chiến lược tương lai, giống như một kế hoạch 5 năm từ năm 2019. Nhưng COVID-19 đã phá vỡ tất cả và từ tháng 2/2020 trở đi, toàn ngành phải gồng mình chống đỡ dịch bệnh thay vì thực hiện ước vọng tương lai.
Tuy nhiên, COVID-19 làm bộc lộ nhiều điểm yếu của hệ thống sản xuất, cùng đó chỉ ra cho chúng ta thấy vẫn còn nhiều cơ hội đang chờ đón phía trước.
Thách thức đầu tiên mà COVID-19 gây ra là làm giảm nhu cầu tiêu thụ và đóng sập cánh cửa nhiều thị trường; thách thức này sẽ còn tiếp diễn trong năm 2021. Mọi doanh nghiệp thủy sản muốn tiến lên phía trước cần phải thực hiện chiến lược sản xuất theo yêu cầu thị trường. Đại dịch COVID-19 cho chúng ta thấy rõ thị hiếu tiêu dùng sản phẩm giữa kênh dịch vụ ẩm thực và phân khúc bán lẻ. Đơn cử, sản phẩm tôm HOSO với kích cỡ đa dạng chiếm lĩnh phân khúc dịch vụ ẩm thực, nhưng khi COVID-19 xuất hiện, hầu hết người tiêu dùng lại tìm đến những sản phẩm tôm giá trị gia tăng và ăn liền từ các kênh online hoặc siêu thị.
Do đó, điều đầu tiên các hãng sản xuất cần ghi nhớ là đa dạng sản phẩm từ những mặt hàng sơ chế, chế biến đến tẩm ướp và đóng gói. Đại dịch cũng làm nổi lên nhu cầu với sản phẩm giá trị gia tăng. Bị phụ thuộc quá mức vào các nhà hàng và chợ bán hàng tươi sống, các loại cá biển ướp lạnh, cá sống và cá nước ngọt đối mặt sự sụt giảm đáng kể về lượng tiêu thụ khi đại dịch xuất hiện. Chế biến và cấp đông để bảo quản lâu dài và gia tăng giá trị cho thị trường xuất khẩu và nội địa cũng là yếu tố cần thiết để vượt qua khó khăn trong thời dịch.
Tôm chính là một mặt hàng dễ biến đổi theo cung – cầu. Trên thị trường bán lẻ, bằng các chiến lược xúc tiến thương mại và giảm giá bán, nhà sản xuất có thể kích cầu tăng trở lại nhưng giá bán chỉ nên giảm đến một mức nhất định trước khi người nông dân bị tác động tiêu cực và cắt giảm nguồn cung. Có thời điểm chi phí sản xuất TTCT trong khu vực châu Á rớt xuống mức thấp khiến nông dân đã lựa chọn giải pháp ngừng thả nuôi.
Từ cá hồi đến tôm hay cá tra, các nguồn cung đều có xu hướng chạy theo thị trường Trung Quốc suốt hơn 5 năm qua. Nhưng đại dịch đã bộc lộ những rủi ro khi quá phụ thuộc vào một thị trường; do đó, đa dạng hóa thị trường là con đường duy nhất để đảm bảo sự ổn định. Một bài học cần nhớ đó chính là giá tôm của Ecuador đã rớt xuống mức thấp nhất thế giới vào năm 2020 bởi quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận trong năm qua, giá thức ăn tăng cao cũng ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận ngành tôm. Chi phí thức ăn quan trọng, nhưng tỷ lệ sống của tôm hoặc cá nuôi mới là yếu tố mang tính quyết định. Bất cứ sự cải thiện nào về tỷ lệ sống sẽ tự động làm giảm chi phí thức ăn trên mỗi kg tôm hoặc cá sản xuất ra. Hiện, chúng ta đã có thêm nhiều công cụ tối ưu hóa sử dụng thức ăn từ máy cho ăn tự động đến các thiết bị giám sát thông minh khác. Theo đó, nông dân phải nhận thức được rằng cho ăn quá mức không chỉ tốn kém tiền bạc mà còn dẫn đến dịch bệnh bùng phát.
Ngành thủy sản châu Á được hình thành bởi nhiều trại nuôi quy mô nhỏ và vừa. Người tiêu dùng ngày nay sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ minh bạch, rõ ràng. Thị trường sẽ tác động đến chiến lược sản xuất trong thời đại dịch, nhưng người sản xuất thủy sản cũng phải xử lý các nút thắt trong chuỗi cung ứng để sản phẩm làm ra không bị “phổ thông hóa” và mờ nhạt trước các đối thủ trên thị trường.
Aquaculture Asia Pacific