Khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm là một phương thức hủy diệt nguồn cá, tôm đã bị cấm. Thế nhưng, để đối phó với hoạt động kiểm tra của ngành chuyên môn, các đối tượng chuyển hoạt động sang ban đêm rất tinh vi, khiến công tác xử lý đánh bắt thủy sản bằng ngư cụ cấm trở nên khó khăn hơn.
Ủi bằng xung điện hủy diệt cá đồng.
Theo thống kê, có khoảng 2.602 hộ sử dụng ngư cụ cấm đánh bắt thủy sản trong mùa nước nổi, tập trung ở: TP. Long Xuyên, thị xã Châu Đốc, Tân Châu và các huyện An Phú, Phú Tân, Chợ Mới, Thoại Sơn.
Từ tháng 9 – 2010, UBND tỉnh ra Quyết định số 1737 phê duyệt kế hoạch kiểm tra và xử lý việc khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm trên địa bàn An Giang giai đoạn 2010-2012. Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo trên, Sở NN&PTNT đã thành lập được một đoàn liên ngành và cấp huyện thành lập được 11 đoàn/11 huyện, thị xã, thành phố. Riêng cấp xã, phường, thị trấn cũng thành lập được 151 đoàn. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, sau hơn 2 năm, toàn tỉnh đã thanh tra, kiểm tra được 1.859 lượt, phát hiện hơn 964 trường hợp vi phạm sử dụng ngư cụ cấm, xử phạt 258 trường hợp, với tổng số triền 410 triệu đồng. Qua đó, tịch thu các tang vật, gồm: 1 ghe cào, 230 túi dớn, 75 xuyệt điện, 54 bình ắc quy, 1.050m dây điện và 50 dynamo cùng một số tang vật khác.
Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú nhìn nhận, là huyện đầu nguồn, hằng năm lũ về sớm nên sản lượng cá tôm từ Biển Hồ (Campuchia) trôi dạt về rất lớn, giá trị nguồn lợi thủy sản cao. Nhưng những năm qua, do người dân khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm đã làm cạn kiệt nguồn cá, tôm trong tự nhiên. Trước vấn nạn đó, ngành chức năng huyện cũng như các địa phương nỗ lực, tăng cường kiểm tra xử lý những đối tượng này. Từ năm 2010 đến nay, huyện An Phú đã tiến hành kiểm tra 185 lượt, phát hiện 5.54 vụ vi phạm ngư cụ cấm.
Xuyệt điện tận diệt loài cá.
Hiện nay, mặc dù huyện Châu Thành đã mở rộng diện tích sản xuất vụ 3 nên mặt bằng khai thác thủy sản đang dần bị thu hẹp lại. Tuy nhiên, điều đó vẫn không làm các đối tượng khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm giảm cường độ hoạt động, bởi mất địa bàn này thì chuyển sang địa bàn lân cận để hoạt động. Hơn 2 năm qua, các đoàn kiểm tra liên ngành huyện Châu Thành cũng đã xử lý nhiều trường hợp sử dụng ngư cụ cấm. Theo thống kê, hiện toàn huyện có 475 hộ sử dụng ngư cụ cấm, chủ yếu sử dụng xung điện để tận diệt nguồn lợi thủy sản.
Nhiều huyện cũng thừa nhận rằng, việc kiểm tra, xử lý những hộ đánh bắt thủy sản bằng ngư cụ cấm cũng chưa được thường xuyên và chưa “mạnh tay” do các đối tượng chuyển địa bàn hoạt động liên tục, gây khó khăn cho ngành chức năng cũng như địa phương. Huyện Tri Tôn yêu cầu các huyện giáp ranh, như: Thoại Sơn, Châu Thành cần phải phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, xử lý các đối tượng thường thay đổi địa bàn hoạt động đánh bắt thủy sản bằng ngư cụ cấm. Do huyện Tri Tôn có địa hình trũng, với nhiều kênh, rạch chằng chịt, nguồn lợi thủy sản nhiều nên những năm qua, các đối tượng vào đây hoạt động rất mạnh. Khi lực lượng vây bắt thì các đối tượng dùng ghe gắn máy có công suất lớn chạy về địa bàn khác. Vì vậy, công tác kiểm tra, xử phạt khó có thể thực hiện một cách triệt để.
Nói về khó khăn trong công tác xử lý đánh bắt thủy sản bằng ngư cụ cấm, Thạc sĩ Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho rằng, các đoàn kiểm tra liên ngành chưa xử lý kịp thời, đúng lúc, nhất là trên nhánh sông Tiền, sông Hậu. Bên cạnh, các đối tượng khai thác thủy sản bằng phương tiện có công suất lớn liên lạc bằng điện thoại thông báo nhau khi phát hiện ngành chức năng. Còn vấn đề tạm giữ phương tiện, ngư cụ cấm chỉ thành lập ở 2 điểm là Mỹ Hòa Hưng và Trung đoàn Cảnh sát Cơ động E21 ở xã Bình Thạnh (Châu Thành). Do đó, khi các đoàn kiểm tra liên ngành bắt được các đối tượng sử dụng ngư cụ cấm mất nhiều thời gian trong việc điều phương tiện về nơi tạm giữ. Ngoài ra, các đối tượng đánh bắt thủy sản bằng ngư cụ cấm đã chuyển sang hoạt động ban đêm, manh động, góp phần gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra. Mặt khác, do đa số những người đánh bắt thủy sản bằng ngư cụ cấm đều là hộ nghèo, khó khăn nên một số địa phương nghiêng về nhắc nhở, chưa kiên quyết xử lý, hoặc nếu có xử lý cũng chỉ ở mức xử phạt vi phạm hành chính thấp nên dẫn đến một số vụ việc vi phạm công khai, khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt.